pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý nghiêm nhà trường phát hành sách giáo khoa kèm sách tham khảo
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
PV: Cách đây vài ngày, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ra Chỉ thị mới về việc chống lãng phí, nâng cao tỷ lệ tái sử dụng SGK. Tuy nhiên hiện nay, không ít phụ huynh có tâm lý sẵn sàng chi tiền mua những bộ SGK mới cho con sử dụng thay vì dùng sách cũ. Vậy theo bà, cần làm thế nào để truyền thông việc tiết kiệm SGK hiệu quả?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Theo tôi, trước tiên cần ghi nhận việc Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Chỉ thị mới về việc chống lãng phí, nâng cao tỷ lệ tái sử dụng SGK Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Vấn đề giá cả và sự lãng phí trong sử dụng SGK đã được đề cập từ nhiều kỳ họp Quốc hội, thậm chí luôn nóng. Kỳ họp này cũng vậy. Cử tri vẫn kiến nghị, truyền thông lại lên tiếng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn… Do vậy, việc ra Chỉ thị là hành động thiết thực cụ thể hóa lời cam kết của Bộ trưởng trước Quốc hội về giải pháp khắc phục vấn đề lãng phí trong sử dụng SGK; và hầu hết các giải pháp mà đại biểu kiến nghị đã được tiếp thu.
Có thể nói, về lý thuyết thì các giải pháp nêu trong Chỉ thị hoàn toàn có thể khả thi, vì khá cụ thể, thiết thực. Nhưng để nội dung của Chỉ thị đi vào thực tiễn, cần có sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm trong triển khai thực hiện của toàn ngành giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục, thầy cô, học sinh và phụ huynh. Đồng thời truyền thông việc tiết kiệm SGK phải kèm theo chế tài mới có hiệu quả.
PV: Có ý kiến cho rằng, SGK mới khó tái sử dụng vì có nhiều cải biên theo các năm học, bà có đồng tình với ý kiến này?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Quả đúng là có vấn đề này. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai với chủ trương xã hội hóa SGK, và cùng lúc có nhiều bộ SGK được biên soạn, thẩm định, phê duyệt. Có thể do khâu này khâu kia, vẫn còn sai sót, phải điều chỉnh, hiệu đính, nên ít nhiều ảnh hưởng tới việc tái sử dụng SGK, dẫn tới lãng phí như dư luận đã phản ánh. Đây là điều đáng tiếc, cần được rút kinh nghiệm để việc biên soạn SGK theo lộ trình cho các năm tiếp theo bảo đảm chất lượng hơn, tránh sai sót.
PV: Với thời buổi công nghệ 4.0, tại sao chúng ta không dùng sách điện tử để tiết kiệm mà phải tái sử dụng sách cũ?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Băn khoăn này hoàn toàn chính xác. Chúng ta đang ở thời điểm thích hợp cho việc trải nghiệm và tiếp cận với các loại sách giáo khoa điện tử. Hình thức này đã được nhiều nước dùng phổ biến, Việt Nam đương nhiên cũng phải tiếp thu, học hỏi vì nhiều lẽ: Thứ nhất là lợi về kinh phí, phụ huynh có thể tiết kiệm tiền mua sách học cho con. Thứ hai là sự tiện lợi vì học sinh đến trường không phải mang theo những cặp sách nặng trĩu, mà chỉ cần một chiếc iPad.
Tuy nhiên, cùng với xu thế tăng cường SGK điện tử, vẫn cần phải đặt ra vấn đề tái sử dụng SGK giấy vì nhiều lẽ: SGK giấy dễ sử dụng hơn, hợp với túi tiền của phần đông phụ huynh, nhất là những nơi chưa đáp ứng công nghệ, nền tảng cũng như điều kiện mua sắm trang thiết bị cho người học; đồng thời tránh được mối lo của phụ huynh khi con sử dụng, phụ thuộc quá nhiều các loại phương tiện điện tử.
Do vậy, với điều kiện Việt Nam, vẫn phải song song kết hợp SGK điện tử cũng như tái sử dụng SGK cũ.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc Chỉ thị yêu cầu nhà trường không được bán SGK kèm sách tham khảo? Và cần biện pháp giám sát nào để những nội dung của chỉ thị được triển khai trong cuộc sống?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Đây là mấu chốt của vấn đề mà tôi và nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đang quan tâm. Số tiền mua sách đầu năm học mới cho con đang là gánh nặng cho số đông phụ huynh, trong đó, ngoài một số SGK, có kèm theo vô số sách bài tập, sách tham khảo, được mua nhưng ít dùng hoặc không dùng đến.
Tổng giá sách tăng gấp 2-4 lần không chỉ là do giấy tốt hơn, khổ rộng hơn, in màu đẹp hơn dẫn tới tăng giá trên đầu mỗi cuốn sách, mà là ở số đầu sách tăng hơn nhiều, trong đó có cả sách tham khảo.
Bên cạnh đó, việc nhà trường tham gia vào khâu phát hành SGK có thể có một số ưu điểm như phụ huynh không mất thời gian tìm mua sách, không bị mua sách in lậu, không bị thiếu đầu sách,… nhưng mặt trái của nó mà dư luận đang băn khoăn chính là câu chuyện "hoa hồng" có thể làm ảnh hưởng tới môi trường sư phạm vốn cần sự trong sáng, minh bạch.
Do vậy, để Chỉ thị đi vào cuộc sống, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Phải tuyên truyền, phổ biến tới từng cơ sở giáo dục, từng lớp học, từng gia đình, để tạo sự thống nhất, đồng thuận; và hơn cả, mỗi thành phần liên quan cần xác định được trách nhiệm của mình. Đối với các cơ sở giáo dục, trước hết là trách nhiệm của Hiệu trưởng, của giáo viên chủ nhiệm trong việc kiên quyết nói "không" với các hành vi như lập danh mục sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác; và nói "không" vận động, tư vấn, "ép" phụ huynh mua cả những loại sách không phải là sách giáo khoa; cần thông tin đầy đủ để phụ huynh, học sinh phân biệt hai loại sách: SGK và sách bổ trợ (bao gồm sách bài tập, sách tham khảo) để phụ huynh tùy điều kiện và nhu cầu của con em mình có thể quyết định mua hoặc không mua.
Cùng với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cha mẹ học sinh, nhất là cần nói "không" với thái độ "nể nang" trong vấn đề mua sắm SGK (phụ huynh cũng phải tự xác định đây là trách nhiệm của mình).
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc xử lý nếu thấy có dấu hiệu tiêu cực trong việc "hưởng hoa hồng" liên quan tới SGK. Tôi cho rằng, thực hiện nghiêm những giải pháp ấy, mới ra được hiệu quả!
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại biểu!