pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội bức xúc khi đơn thuốc kê thực phẩm chức năng gấp 10 lần tiền thuốc
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp.
Mua sắm trang thiết bị y tế bị "đóng băng"
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn - cho rằng, cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng, hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng toàn ngành gần như "đóng băng" và không dám triển khai.
Nữ đại biểu nêu vấn đề về tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao và quá mức cần thiết với máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho người dân và bảo hiểm y tế.
"Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế cho thấy, việc thổi giá không chỉ phát hiện trong dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn trong triển khai đề án xã hội hóa liên doanh liên kết tại bệnh viện công lập", bà Thủy dẫn chứng lại vụ việc Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng cho đối tác đặt robot hỗ trợ kỹ thuật, với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng, làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.
Nguyên nhân được cho là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng. Những khó khăn vướng mắc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể vốn kéo dài trong nhiều năm thì nay càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh xảy ra các vụ án y tế.
Từ những ý nghĩa trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị: Một là, kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, kiến nghị bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An - thì nêu trường hợp một bệnh nhân phải kê 4,8 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng trong khi chi cho thuốc chữa bệnh là 400.000 đồng, gây thiệt thòi cho người bệnh trong khám chữa bệnh.
"Dự thảo về quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều là vừa thiếu và chung chung về quyền và nghĩa vụ mà chưa có cơ chế cụ thể để người bệnh đảm bảo quyền của mình, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người bệnh làm trung tâm", đại biểu Hiếu nói.
Do đó, ông cho rằng cần tổng kết kỹ thực tiễn trên cơ sở mối quan hệ người hành nghề phải thực hiện công việc khám chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Bao gồm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, bảo vệ thông tin và tránh xung đột lợi ích. Cụ thể, cần quy định rõ người hành nghề phải thông tin cho bệnh nhân về ưu điểm, nhược điểm, rủi ro về phương pháp chữa bệnh chứ không chỉ dừng lại ở tư vấn, cung cấp thông tin.
Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang - cho rằng, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.