pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội đề xuất đánh giá lại các mức lấy phiếu tín nhiệm
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu tại nghị trường sáng 26/3
Sáng 26/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo tổng kết hoạt động khóa XIV. Một số ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế trong hoạt động của cơ quan lập pháp Nhà nước, từ đó kiến nghị các giải pháp để Quốc hội hoàn thiện phương hướng trong nhiệm kỳ mới tới đây.
Ngăn chặn "tham nhũng chính sách" trong quá trình xây dựng luật
Một trong những nội dung hoạt động của Quốc hội khóa XIV được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận là việc lấy phiếu tín nhiệm. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) khẳng định, hoạt động này mang lại hiệu ứng tích cực, những đóng góp của người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.
"Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của người dân là ông/bà có nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là sự băn khoăn, lo lắng của người dân. Có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế", ĐB Lưu Mai băn khoăn.
Theo nữ đại biểu này, tới đây, khi tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, cần quan tâm đến 2 khía cạnh, trước hết là các mức lấy phiếu tín nhiệm. Việc để 3 mức tín nhiệm theo đại biểu có thể đề cao tính nhân văn nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá.
"Việc để 3 mức khó lượng hóa, khó so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa những đối tượng được lấy phiếu xin ý kiến. Vấn đề nữa là số lần lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta đang lấy phiếu tín nhiệm 1 lần, song để đánh giá được những cố gắng, những tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm thì một số ý kiến đề xuất, nên chăng thực hiện 2 lần trong 1 nhiệm kỳ", ĐB Lưu Mai đề xuất.
Cũng theo ĐB Lưu Mai, nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả quy định, có thể thấy nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện, rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
"Tham nhũng chính sách là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống", nữ đại biểu này đánh giá.
Để ngăn chặn nguy cơ này, ĐB Lưu Mai kiến nghị cần nâng cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và nâng cao hoạt động thẩm tra.
Giám sát vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, thành công trong công tác lập pháp là rất quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế pháp luật để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp một số hạn chế như: ngoài việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; có dự án luật gây bức xúc cho dư luận.
Công tác thẩm tra, thẩm định luật vẫn còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp.
Liên quan đến công tác giám sát, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc giám sát vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Ví dụ lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi chưa được Quốc hội giám sát tối cao làm cơ sở hoạch định chính sách, pháp luật tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực dân tộc, miền núi. Trong khi các giám sát bậc thấp không thể bao quát và Quốc hội đánh giá đầy đủ nhất về vấn đề này.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Quốc hội cần tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, HĐND; chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước.
"Cần xây dựng Quốc hội là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực", ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.
Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tại phiên khai mạc nêu rõ: Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
Hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đúng quy định. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng" và "đúng" vấn đề.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
Từ thực tế hoạt động trong nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XIV rút ra 6 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác.