pnvnonline@phunuvietnam.vn
Covid-19 khiến hàng triệu sinh viên Mỹ Latin rơi vào cảnh thất học
Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của sinh viên Lina Prieto và con gái Luna bị xáo trộn. Ảnh: Federico Rios
Covid-19 đã phá hỏng tất cả
Điển hình là trường hợp của nữ sinh viên Lina Prieto, người đã giành được học bổng của chương trình viết văn tại một trường đại học công lập danh tiếng nhất Colombia. Mục tiêu của Prieto là trở thành nhà viết văn tài năng trong tương lai, nhưng đại dịch Covid-19 đã phá hỏng tất cả.
Mẹ cô, một người phụ nữ không học quá lớp 2, làm công việc nội trợ. Cha cô, một cảnh sát, nhưng chưa học hết cấp 3. Họ đã rơi vào cảnh thất nghiệp vì Covid-19 và Prieto buộc phải từ bỏ giấc mơ học đại học của mình.
Dịch bệnh đã khiến Prieto rơi vào cảnh thất nghiệp dù trước đó, cô đang là lễ tân ở một khách sạn lớn tại thủ đô Bogota với mức thu nhập đáng mơ ước. Không chỉ ngừng học, người phụ nữ đơn thân 30 tuổi này cũng không thể trang trải cho cô con gái của mình đang theo học trường mầm non.
Điều đáng nói, Prieto không phải là trường hợp duy nhất ở Colombia. Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, tỷ lệ học sinh, sinh viên nhập học dự kiến sẽ giảm 25% ở Colombia trong năm 2020 và điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các quốc gia Nam Mỹ khác.
Trong vòng 20 năm qua, hệ thống giáo dục ở khu vực Mỹ Latin phát triển rất nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ đầu những năm 2000, các vụ đầu tư lớn vào chương trình tiểu học và trung học cũng như những dự án xây dựng các trường đại học mới tăng đột biến, giúp tỷ lệ đăng ký học đại học ở Nam Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 20% lên hơn 50% dân số trong độ tuổi học đại học.
Điều này đã giúp rất nhiều người bản địa, da đen và những người nghèo khó ở các vùng quê hẻo lánh, có cơ hội tiếp cận với tri thức. Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ.
Bà Sandra Garcia, một nhà điều tra người Colombia chuyên nghiên cứu về giáo dục cho Liên Hợp Quốc, phát biểu: "Khi mọi chuyện đang diễn ra hết sức tốt đẹp với hệ thống giáo dục của Colombia nói riêng và khu vực Mỹ Latin nói chung thì Covid-19 đã phá hỏng tất cả".
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, đại dịch Covid-19 đã giết chết hàng trăm nghìn người và tàn phá các nền kinh tế ở Nam Mỹ. Hàng triệu sinh viên đại học phải bỏ dở việc học tập.
Khi cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh Covid-19 ngày càng trở nên trầm trọng, phóng viên tờ The New York Times (Hoa Kỳ) đã dành nhiều tuần để tiếp cận với sinh viên, phụ huynh, giảng viên, quan chức và hiệu trưởng của các trường đại học trên khắp đất nước Colombia.
Quốc gia Nam Mỹ này đã buộc phải tiến hành giãn cách xã hội để chống dịch bệnh, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thanh niên đã tăng đột biến, nhiều sinh viên không thể trả học phí. Trong bối cảnh đó, học phí của các trường công lập (vốn được coi là thấp) cũng có thể cao gấp từ 2 đến 8 lần mức lương tối thiểu hằng tháng. Ở thời điểm dịch bệnh xảy ra, tiền ăn còn khó, nói gì đến tiền học hành.
Học trực tuyến một ngày bằng khoản tiền nhu yếu phẩm cả tuần
Hầu hết các khóa học đã chuyển sang học trực tuyến, nhưng hàng triệu người không có internet hoặc kết nối điện thoại di động thông minh.
Tại trường Cao đẳng giảng dạy chính của Colombia, Hiệu trưởng Leonardo Fabio Martinez cho biết, có đến một nửa số học sinh có thể rời trường trong năm 2020.
Trong khi đó, ở một trường đại học công lập thuộc thành phố Manizales, một giáo sư cho biết, một sinh viên ngành kiến trúc, học trò của cô đã kể, để có thể kết nối Internet qua điện thoại di động trong một ngày học, cậu ta phải bỏ ra số tiền bằng với khoản chi mua nhu yếu phẩm ở cửa hàng tạp hóa trong cả một tuần.
Một số sinh viên khác cho biết, họ sẽ phải nhịn đói để trả tiền sử dụng dịch vụ internet, trong khi những người khác phải chui lủi xuống gầm cầu thang để kết nối Wi-Fi từ những người hàng xóm.
Điều đau xót xảy ra với phụ nữ Colombia, đối tượng đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở quốc gia này. Rất nhiều cô gái đã chuyển sang cái gọi là "công việc webcam", tức là thực hiện các hành vi tình dục trên internet để kiếm tiền.
"Tôi phải trả học phí, tiền thuê phòng, các hóa đơn cho việc sinh hoạt hằng ngày, tiền ăn. Tôi phải nuôi mẹ và hai chị em tôi. Tôi kiếm đâu ra tiền bây giờ, mọi thứ đã trở nên tuyệt vọng!", một trong những sinh viên bị mất việc làm trong thời gian Covid-19 bùng phát, than vãn.
Tại trường Universidad Nacional Colombia, một trường đại học công lập có uy tín ở thủ đô Bogota, một số sinh viên đã tuyệt thực ngay tại túp lều trong khuôn viên trống không của trường. Những sinh viên này kêu gọi chính phủ trang trải học phí trong bối cảnh gia đình của họ đã rơi vào khủng hoảng.
"Tôi không thấy có cách nào khác để trả học phí"- Gabriela Delgado, 22 tuổi- nữ sinh viên ngành âm nhạc, chia sẻ. Trong nhiều tuần qua, cô phải ngủ trong một túp lều giữa các tòa nhà cao tầng của Khoa kinh tế và Khoa khoa học xã hội & nhân văn. Mặc dù rất đói, nhưng Gabriela vẫn cố gắng rút cây đàn Cello của mình ra, chơi những đoạn của Bach để khích lệ những sinh viên đang tuyệt thực biểu tình. Vậy mà cuộc đình công đã kết thúc vào cuối tháng 8 mà chính phủ Colombia vẫn không đáp ứng yêu cầu của họ.
Trong nhiều năm qua, các nền kinh tế lớn của khu vực Mỹ Latinh tập trung vào việc xuất khẩu dầu mỏ, vàng, phát triển nông nghiệp với quy mô lớn. Điều này khiến các chính phủ của những quốc gia này quá phụ thuộc vào các hoạt động liên quan đến môi trường.
Theo tiến sĩ Eric Hershberg, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh, để giải quyết tình trạng này, các quốc gia Nam Mỹ phải thay đổi và tập trung phát triển giáo dục đại học.
Bất chấp hơn 5 thập kỷ nội chiến, Colombia vẫn là biểu tượng của sự thay đổi đó với việc tăng gấp đôi tỷ lệ nhập học đại học kể từ năm 2000 và xây dựng các trường đại học mới.
Ông Maria Victoria Angulo, Bộ trưởng Giáo dục Colombia cho biết, kể từ khi đại dịch xảy ra, chính phủ của Tổng thống Ivan Duque đã thực hiện "một nỗ lực chưa từng có tiền lệ" để giúp đỡ các sinh viên. Một số trường đại học công lập có thể trang trải học phí cho tất cả sinh viên, ít nhất là trong 1 học kỳ. Nhiều sinh viên đã được cấp máy tính bảng hoặc thẻ SIM để phục vụ việc học trực tuyến.
Tại một số trường tư, các sinh viên nghèo được tài trợ học phí từ chính những sinh viên khá giả, để hạn chế tình trạng bỏ học.
Saulo de Avila, 23 tuổi, một sinh viên tâm lý học, phát biểu, những nỗ lực của một số trường đại học là rất đáng khen ngợi, nhưng không thể ngăn được một số lượng lớn sinh viên bỏ học và mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới đây.
Thách thức đối với nhiều sinh viên không chỉ là họ không có Internet hoặc máy tính. Nhiều người phải dùng chung điện thoại di động với các thành viên trong gia đình và tìm những nơi có sóng internet để có thể học trực tuyến.
Vào một buổi sáng đầu tháng 9, Wendi Kuetgaje, 22 tuổi, ngồi bên một đám cây gần nhà ở khu vực nông thôn phía đông thủ đô Bogota. Kuetgaje là một sinh viên ngành Nhân chủng học. Cô chăm chú vào điện thoại di động của mẹ cô, cố gắng giải mã những gì giáo sư đang nói về các ký hiệu ngôn ngữ trong khi học trực tuyến.
Khi buổi học kết thúc, giáo sư yêu cầu các sinh viên phải có phản hồi về bài giảng. Nhưng điều này vô cùng khó khăn bởi có đến một nửa lớp học liên tục bị out khỏi ứng dụng Zoom và riêng Kuetgaje bị rớt mạng đến 8 lần. Cô cho biết: "Tôi nhiều lần không thể nghe được giáo viên và các bạn trong lớp nói gì".
Cô Kuetgaje theo học tại Đại học University of Rosario ở Bogota và có học bổng. Khi cô còn là một đứa trẻ, gia đình cô đã chạy trốn cuộc nội chiến ở bang Amazonas, quê hương của họ. Bây giờ họ sống trong khu bảo tồn Maguare cùng với 25 gia đình khác.
Khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, khu bảo tồn Maguare không có khách du lịch, cuộc sống của các gia đình bị xáo trộn, điện và nước sinh hoạt bị hạn chế. Chị gái của Kuetgaje, cô Johana, một luật sư, là người duy nhất trong cộng đồng của họ có bằng đại học.
Kuetgaje, có cha mẹ là ông Uitoto và bà Tatuyo, có kế hoạch nghiên cứu về các dân tộc bản địa. Cô chia sẻ: "Chúng tôi luôn được những người khác nghiên cứu về mình. Chúng tôi, với tư cách là người bản địa của Colombia, cũng có thể kể những câu chuyện của chính mình."
Tuy nhiên, khi bắt đầu đến trường, Kuetgaje cảm thấy xa lạ với những người bạn cùng lớp giàu có hơn. "Tôi đã học cách im lặng để không tạo ra xung đột"- cô nói.
Khi các lớp học chuyển sang học trực tuyến, Kuetgaje chuyển về nhà, sự xa cách này ngày trở nên rõ rệt. Thiếu thốn mọi thứ, Kuetgaje không thể chuyên tâm học tập. Cô đã trượt hai bài kiểm tra quan trọng và suýt nữa không đủ điều kiện để học sang học kỳ mới.
Bây giờ Kuetgaje đang cố gắng hoàn thành khóa luận của mình về lịch sử và phong tục của người bản địa Colombia, Cô chỉ còn hai học kỳ nữa là sẽ tốt nghiệp đại học. Nhưng Kuetgaje lo lắng bởi nếu cô không giành được học bổng, cô sẽ phải ngừng học.
Em trai của cô, Jefferson, 19 tuổi, một sinh viên luật, từng phải ngừng học ở học kỳ trước vì sự cố kết nối internet. Bây giờ Jefferson đã trở lại với lớp học trực tuyến nhờ việc kết nối từ điện thoại di động của cha cậu. Mặc dù vậy, quá trình đèn sách của Jefferson vẫn còn rất gian nan.
Trở lại với câu chuyện của nữ sinh viên Prieto. Bất chấp việc phải đối mặt với những khó khăn, Prieto vẫn say mê đọc tác phẩm kinh điển "Trăm năm cô đơn", sử thi nhiều thế hệ của Gabriel Garcia Marquez, thường được coi là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Colombia.
Prieto tâm sự, cô mê "Trăm năm cô đơn" nhưng chính câu chuyện của cô đã thuyết phục cô trở thành một nhà văn. Ở tuổi 16, chán ngán với cảnh nghèo của gia đình, cô trở thành một trong hàng trăm thanh niên tham gia nhóm phiến quân cánh tả nổi tiếng nhất Colombia, FARC. Sau đó cô phải ngồi tù 3 năm vì hoạt động du kích của mình.
Khi ra tù, cô kiếm kế sinh nhai bằng cách rửa cửa kính ô tô trên đường phố và sau đó, kiếm được học bổng để vào trường đại học. Cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Prieto sẽ là luận văn tốt nghiệp đại học của cô. "While You Sleep" kể câu chuyện của chính cô với gia đình cô, bao gồm cả mẹ cô, người bắt đầu đi làm từ năm 7 tuổi.
Không chỉ giành học bổng để học đại học, Prieto còn chăm lo cho cô con gái Luna Victoria, 4 tuổi của mình học ở trường mầm non.
Nhưng giờ, điều khiến Prieto lo lắng là trường mầm non này chỉ dành cho con em của các sinh viên và nhân viên. Vì vậy, nếu Prieto phải nghỉ học, Luna cũng phải về nhà. Mọi chuyện đang trở nên vô cùng tăm tối với Prieto và cả những người dân ở khu vực Mỹ Latin trong những ngày này. Tất cả đều bởi nguyên nhân: dịch bệnh Covid-19.