Các luật sư phụ trách điều tra vụ bê bối tại Trường Đại học Y Tokyo xác nhận có xảy ra tình trạng thao túng điểm thi đầu vào theo sự chỉ đạo của lãnh đạo trường, theo đó, hạ điểm đầu vào của các thí sinh nữ và các thí sinh nam thi tuyển từ lần thứ tư trở lên.
Theo các nhà điều tra, trường đã thực hiện một cách có hệ thống hành vi thao túng điểm từ cách đây một thập kỷ, theo đó giảm điểm của tất cả các thí sinh nữ từ năm 2006 và các thí sinh nam tham gia thi tuyển lần thứ tư trở lên.
Hình thức hạ điểm được thực hiện bằng cách nâng điểm cho các thí sinh khác. Tiến trình thi vào Đại học Y Tokyo gồm hai giai đoạn với giai đoạn đầu tiên là bài kiểm tra trắc nghiệm. Những thí sinh vượt qua vòng một sẽ nộp một bài luận và vào vòng phỏng vấn. Trong kỳ thi đầu vào năm 2017 và 2018, trường đã tăng 0,8 điểm cho các thí sinh vào vòng hai, tăng thêm 20 điểm cho tất cả các thí sinh nam tham gia kỳ thi lần 1 và lần 2 và thêm 10 điểm cho những thí sinh nam tham gia lần thứ ba.
Trường không tăng điểm cho các thí sinh nữ và những thí sinh nam tham gia thi tuyển lần thứ tư trở lên, tức là những thí sinh này chỉ nhận được điểm tối đa là 80 trên tổng số 100 điểm nếu họ trả lời đúng 100% câu hỏi. Tất nhiên, các thí sinh không hề được biết các hành vi mang tính phân biệt đối xử này.
Theo truyền thông Nhật Bản, việc trường cố tình thao túng điểm là nhằm hạn chế tỷ lệ nữ sinh tại trường chỉ ở mức 30%.
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà điều tra chưa tìm ra tài liệu nào có nói về việc quy định tỷ lệ này. Các nhà điều tra cho biết theo khai nhận của các thành viên trong ban giám đốc trường, mục đích của việc thao túng điểm nhằm vào thí sinh nữ là nhằm tránh tình trạng thiếu bác sỹ tại các bệnh viện của trường vì nữ bác sĩ thường có xu hướng nghỉ việc sau khi lập gia đình.
Đối với việc giảm điểm của các thí sinh nam thi tuyển từ lần thứ tư trở lên, một nhà điều tra cho biết lý do là vì các bác sỹ có nhiều tuổi hơn có thể sớm nghỉ việc tại các bệnh viện của trường đại học và ra mở phòng khám riêng.
Hành vi thao túng điểm này bị phát hiện trong một cuộc điều tra bê bối hối lộ liên quan đến các thành viên cấp cao của trường và một quan chức của Bộ Giáo dục. Theo kết quả điều tra, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của trưởng, ông Masahiko Usui (77 tuổi) và cựu Hiệu trưởng trường Mamoru Suzuki là những người đã ra lệnh tiến hành việc sửa điểm.
Hai ông Usui và Suzuki đã từ chức hồi tháng Bảy sau khi có những cáo buộc về việc họ đã nhận những khoản hối lộ dưới hình thức hỗ trợ của chính phủ từ một quan chức của Bộ giáo dục, ông Futoshi Sato, để đảm bảo cho con ông này sẽ được tuyển vào trường.
Trong kỳ thi đầu vào của trường cách đây hai năm, trường bị phát hiện thêm 49 điểm cho 18 thí sinh, trong đó có con trai của ông Sato, trong giai đoạn một của kỳ thi. Con trai ông Sato, từng ba lần thi trượt, được thêm 20 điểm trong vòng một và vòng hai, giúp thí sinh này từ vị trí thứ 151 lên vị trí thứ 87. Nếu không được nâng điểm, thí sinh này sẽ rơi vào danh sách dự bị.
Ngoài con trai ông Sato, hai ông Usui và Suzuki đã nhận được khoản tiền tài trợ từ các phụ huynh để đổi lại việc tuyển các thí sinh vào trường bằng cách thêm điểm cho họ. Ngoài hai ông Usui và Suzuki, còn một số nhân vật cấp cao khác của trường cũng dính líu vào vụ việc này.
Đại học Y Tokyo cũng đã thừa nhận hành vi tăng điểm cho 18 thí sinh để đổi lại việc tài trợ cho trường.
Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo, ông Tetsuo Yukioka, trong buổi họp báo ngày 7/8, đã cúi đầu xin lỗi và thừa nhận “hành vi phân biệt đối xử nhằm vào nữ giới là điều không nên xảy ra.” Ông cam kết sẽ xóa bỏ tình trạng này. Quyền Chủ tịch Đại học Y Tokyo, ông Keisuke Miyazawa, cũng cam kết sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng mà trường đã gây ra đối với các thí sinh.
Ông Tetsuo Yukioka khẳng định nữ sinh sau khi đã trúng tuyển không bị phân biệt đối xử song ông cũng thừa nhận có một số người cho rằng nữ giới không được phép trở thành bác sỹ phẫu thuật.
Một trong những luật sư tham gia điều tra, ông Kenji Nakai, chỉ trích thao túng điểm là hành động lừa dối xã hội và bao gồm những hành vi mang nặng tính chất bất bình đẳng giới nhằm vào các thí sinh nữ, cần phải thay thế tất cả những cá nhân có liên quan đến vụ gian lận này. Luật sư Nakai đề nghị Đại học Y Tokyo cần phải tiến hành cải tổ lại từ đầu.
Đại học Y Tokyo đã nộp báo cáo về tiến trình điều tra các hành vi thao túng điểm lên Bộ Giáo dục vào ngày 7/8. Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi nói rằng việc thực hiện các kỳ thi theo cách thức phân biệt đối xử căn cứ theo độ tuổi và giới tính là hành động không thể chấp nhận được và ông sẽ sớm có quyết định đối với vụ bê bối này bao gồm cả kế hoạch giám sát kỳ thi đầu vào của tất cả các trường y.
Nhật Bản là một trong những quốc gia được công nhận có nhiều nữ giới học vấn cao, gần 50%. Tuy nhiên, trong bối cảnh các dịch vụ xã hội như y tế, nhà trẻ chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nữ giới Nhật Bản thường bị phân biệt đối xử trong lực lượng lao động, với quan niệm là người chịu trách nhiệm việc chăm sóc gia đình trong khi nam giới được mặc định là làm việc ở ngoài với thời gian dài hơn. Các cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ nữ bác sĩ đỗ các kỳ thi y khoa quốc gia chỉ vào khoảng 30% trong vòng 20 năm qua, làm dấy lên câu hỏi về các trường y có sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Thủ tướng Shinzo Abe đã xác định “Womenomics” là một trong chính sách kinh tế trọng yếu của chính phủ song theo số liệu do Cơ quan bình đẳng giới nội các cung cấp, tính đến năm 2016, tỷ lệ bác sĩ nữ tại Nhật Bản mới chỉ ở mức 21%. Hiện nay, tại Nhật vẫn còn quan niệm cho rằng lĩnh vực y khoa của nam giới, là “nơi mà nam giới đóng vai trò chính còn nữ giới chỉ đóng vai trò hỗ trợ”.
Vụ bê bối thao túng điểm đầu vào tại Đại học Y Tokyo đang khiến dư luận Nhật Bản chấn động. Tại một xã hội trọng chữ tín, việc gian lận trong thi cử chắc chắn bị công luận lên án mạnh mẽ. Không chỉ như vậy, yếu tố bất bình đẳng giới trong vụ bê bối này càng khiến dư luận bất bình đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực khuyến khích nữ giới tham gia lực lượng lao động để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt do dân số giảm.