Đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024

PV
23/10/2023 - 15:13
Đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024

Người lao động mong ngóng thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Ảnh minh họa Quochoi.vn

Tại phiên họp chiều 23/10 Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến thu - chi Ngân sách nhà nước năm 2024.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024 – 2026...

Theo đó, thu NSNN thực hiện 9 tháng năm 2023 bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu NSNN cả năm bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 15,7% GDP.

Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, thu NSNN cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Về chi NSNN năm 2023, ước thực hiện 9 tháng bằng 59,7% dự toán. Về cân đối NSNN năm 2023, căn cứ đánh giá thu và chi NSNN, ước bội chi NSNN khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội. Ảnh QH

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, theo đó, với dự kiến thu chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của Ngân sách Trung ương và các nguồn của Ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Theo ông Hồ Đức Phớc, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của Ngân sách Trung ương các năm thì tổng nguồn Ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng, nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Với dự kiến thu - chi Ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024. Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh QH

Về chi NSNN, trong đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi Ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo; tăng Chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm; Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm