Dân mạng chê cả bộ Giáo dục lẫn thí sinh

22/08/2015 - 11:38
Vừa phê phán cách thức tuyển sinh đại học của bộ Giáo dục gây mệt mỏi phiền phức, cư dân mạng vừa chê các thí sinh chỉ cần đỗ mà chẳng quan tâm ngành nghề phù hợp hay không.
 
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Học viện Tài chính. Ảnh: Thanh Hùng

Thành viên Facebook có tên Nanh Trắng nhận xét về việc tuyển sinh năm nay: “Thất bại thảm hại. Suốt ngày đi hành hạ mấy đứa học sinh cấp ba”. Theo người này, việc có một nam sinh đã đốt 4 phiếu báo điểm vì quá mệt mỏi đã cho thấy cách tuyển sinh của Bộ GDĐT “vớ vẩn” đến như thế nào.

Facebooker này chốt lại: “Bộ Giáo dục nên có một lời xin lỗi đến các thí sinh và phụ huynh của các em... Ngày hôm qua 20/8 đã đi vào lịch sử ngành giáo dục nước ta, được ví như một cuộc thảm sát kinh hoàng lên lòng tin của người dân đối với giáo dục”.

Trên Facebook cá nhân của mình, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ: “Thực ra phương án xét tuyển theo kiểu "biết điểm trước - nộp hồ sơ sau" không có gì sai nhưng chỉ vì Bộ vẫn ấp ủ việc làm "bàn giấy" cho 1 triệu thí sinh mà không số hóa - tin học hóa - trực tuyến hóa nên mới dẫn tới những chuyện phức tạp thế này.
Thế kỷ 21 được mười mấy năm rồi mà vẫn còn cái kiểu nộp - rút hồ sơ thủ công thế này thì quả là "không thể tin nổi".
Càng không thể tin nổi khi đây lại là cơ quan chủ quản về việc dạy và học của cả quốc gia”.
Facebook Hong Hoang nhìn ở góc độ khác: “Việc bố mẹ và học sinh nháo nhào hết cả lên nộp rút rút nộp để đỗ đại học bằng mọi giá, miễn là điểm đủ để nộp và là đại học, có phải là lỗi của ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không? Nếu ông ấy bảo "thôi đừng nộp nữa nếu không phải ngành mày thích, mày chờ năm sau thi lại đi", liệu bố mẹ và học sinh có nghe ông ấy không? Ông ấy không sinh ra cái tư tưởng ấy. Bố ông ấy cũng không sinh ra cái tư tưởng ấy. Ai sinh ra thì mọi người nghĩ kĩ thêm 1 tí. Rồi chửi cái ông ấy đấy. Mới đúng chỗ”.
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam phát biểu trên Facebook: “Tôi không có ý định bàn về việc tổ chức kỳ thì, các quy định, vì chẳng có thông tin gì. Chỉ một điều thấy đáng lo: hình như hầu hết học sinh không có bất kỳ nguyện vọng gì cho nghề nghiệp tương lai của mình.
Chỉ có nguyện vọng duy nhất: đỗ đại học, và đỗ đúng trường tương ứng với điểm. Không có nguyện vọng làm kỹ sư, bác sĩ, nhà buôn, nhà nông, nhà khoa học gì hết. Chỉ lo sao nếu điểm mình là 18 thì không ghi vào trường điểm chuẩn 19, vì sẽ rớt. Nếu điểm mình 23 cũng không ghi vào trường điểm chuẩn 19, vì “phí” 4 điểm. Phải tìm trường điểm chuẩn 23, tệ lắm cũng 22,5.
Hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT rồi mà không thực sự thích một nghề nghiệp gì, đó có thể là một trong những vấn đề lớn nhất của giáo dục. Có lẽ vì không học cái gì cẩn thận nên không thích cái gì chăng?”
Đồng quan điểm, FaceBooker có tên Hương Đại Mĩ Nhân cũng chia sẻ:“Sau kì xét tuyển này, chắc chắn các trường ĐH và CĐ sẽ nhận được một lứa sinh viên với ước muốn theo ngành nghề là thấp nhất. Thậm chí sẽ có những bạn sinh viên ngơ ngác ồ à khi ngồi vào những lớp học mà mình hoàn toàn không nhận thức được về lớp, trường, và ngành nghề trước đó. Hiện trạng ngồi nhầm lớp, chọn nhầm ngành sẽ ngày càng thêm trầm trọng.
Sau 4-5 năm nữa, khi lứa sinh viên này ra trường, chúng ta sẽ có sản phẩm là một lứa nhân lực không thích ngành nghề. Các bạn ấy sẽ có 1 số thi lại để học theo ngành nghề mình yêu thích, một số tặc lưỡi đi theo tiếng gọi của Số phận và cả đời vật vờ, chán nản vì đã theo 1 ngành nghề mà mình hoàn toàn không hào hứng, một số bỏ bằng, đi tìm công việc khác”.
Theo facebooker này, điều này sẽ khiến việc hướng nghiệp cho giới trẻ trong suốt 12 năm với bao công sức đã bị vứt bỏ không thương tiếc bởi cuộc tranh giành các suất vào trường Đại học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm