Dân mạng phỏng đoán về vật thể lạ ở Tuyên Quang

04/01/2016 - 12:09
Một chuyên gia về nghiên cứu không gian phỏng đoán trên Facebook, vật thể lạ rơi xuống Tuyên Quang hôm 2/1 có thể từ vụ nổ tên lửa phóng vệ tinh khí tượng của Nga.
Trong một ngày có đến 3 vật thể lạ rơi xuống Việt Nam và một vệt sáng màu trắng bí ẩn xuất hiện trên bầu trời Thái Lan. Sự việc này làm dấy lên nghi ngờ về vụ nổ tên lửa của Nga đã tạo ra những mảnh rác vũ trụ.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định với báo chí: "Đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có thông tin gì thêm về vật thể lạ bởi nó không có dấu hiệu hay ký hiệu gì trên đó cả".

Facebooker Thu Trong Vu (Vũ Trọng Thư), nguyên Trưởng phòng nghiên cứu không gian FSpace cho rằng: Vật thể lạ rơi xuống Việt Nam có thể từ vụ nổ tên lửa: "Lúc 13h45 ngày 11/12/2015 (UTC) Nga phóng vệ tinh khí tượng Elektro-L2 lên quỹ đạo địa tĩnh từ sân bay vũ trụ Baikonur bằng tên lửa đẩy Zenit-2SB (có 3 tầng, do Nga & Ukraine chế tạo). Đến ngày 2/1/2016, cận điểm của tầng hai tên lửa đã xuống rất thấp (khoảng trên dưới 100 km) là nơi bầu khí quyển trở nên đậm đặc hơn, khiến cho lực ma sát tăng lên nhiều và nó bắt đầu rơi xuống Trái đất. Điểm bắt đầu rơi xuống (reentry) dự đoán ở gần Ấn Độ. Do tổng hợp các lực khí nhiệt động lực học tác động trong quá trình rơi xuống khiến cho tầng hai tên lửa bị thay đổi hướng bay, bị nung nóng và bốc cháy khi bay ngang qua Thái Lan. Từ dưới đất nhìn lên trông như là một quả cầu lửa đang bay, người Thái đã quay được clip này. Khi ngoại lực tác động lên đến cực đại thì xảy ra vụ nổ, có thể đã có 3 vụ nổ, làm cho tầng thứ hai của tên lửa bị phá hủy hoàn toàn trừ 2 bình nhiên liệu (hoặc có thể có một vài bộ phận khác nữa) vì có hình dạng và kết cấu bền vững nên "may mắn" thoát được vụ nổ để bay thêm một đoạn nữa, rồi có thể đã rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái của Việt Nam như chúng ta đã thấy".

Ý kiến của Vũ Trọng Thư đồng quan điểm với ông Saran Poshayachinda, phó giám đốc Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Quốc gia Thái Lan. Nói về các vệt sáng màu trắng kéo dài trên bầu trời Thái Lan cùng ngày, ông cho rằng có thể là mảnh vỡ tên lửa Nga khi nó rơi trở lại địa cầu. Đây không phải sao băng vì nó di chuyển với tốc độ chậm. Đây cũng không phải một chiếc máy bay đang hoạt động. Nhiều khả năng, nó là mảnh vỡ của tên lửa Zenit SL-23 mà Nga sử dụng để đưa vệ tinh Electro-L2 vào quỹ đạo. Ông Saran tin rằng mảnh vỡ rơi xuống Thái Bình Dương và không gây hậu quả.

Sáng 2/1, một vật thể lạ hình tròn rơi xuống khu đất trống gần bờ suối thuộc thôn Nà Giang, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) kèm theo tiếng nổ lớn.

 Quả cầu lạ có chữ nước ngoài được tìm thấy tại Tuyên Quang

Chiều 2/1, một mảnh kim loại nặng khoảng 200 gram, bề ngoài bị cháy xém rơi xuống nhà ông Đinh Văn Ba tại thôn 5, xã Tân Hồng (Trấn Yên, Yên Bái) kèm theo tiếng nổ lớn trong phạm vi hàng chục km. Ông Ba cho biết, mảnh kim loại rơi trúng nhà, làm vỡ 2 tấm fibrô xi măng rồi găm xuống nền nhà xi măng. Rất may không có ai bị thương.

Vật thể lạ rơi xuống xã Tân Hồng (Trấn Yên, Yên Bái) 

Sáng cùng ngày, bà Trần Thị Lợi ở thôn 1, xã Tân Đồng (Trấn Yên) - cách nhà ông Ba khoảng 5 km - cũng phát hiện một vật thể lạ có hình cầu, dạng tròn đường kính khoảng 40 cm rơi xuống vườn.

Sáng cùng ngày các vật thể lạ rơi xuống Việt Nam, một vệt sáng màu trắng bí ẩn xuất hiện trên bầu trời Thái Lan cũng làm dấy lên nghi ngờ một mảnh rác vũ trụ lao xuống trái đất.

 Vệt sáng bí ẩn xuất hiện trên bầu trời Thái Lan hôm 2/1

Trên các diễn đàn xã hội, nhiều bình luận, phán đoán được đưa ra trước sự việc này. Đa số cộng đồng đều tỏ ra lo lắng vì 'rớt vào nơi đông người thì có thương vong lớn' - facebooker Khoa ND bình luận. Vì thế, người dân mong mỏi 'cơ quan chức năng sớm phát hiện vật thể lạ là gì, để có cách ngăn chặn, không gây tai nạn thương tâm cho người dân' - bình luận của Trương Lê.
 
Rất nhiều phán đoán được cộng đồng facebook đưa ra. Tài khoản hung dj cho rằng 'rất có thể do vệ tinh ngoài không gian phát nổ và rơi trở lại trái đất', còn Le Duc Luan thi cho rằng 'đây chỉ là rác vũ trụ thôi, thứ này đã từng rơi rất nhiều nơi rồi'.

Facebooker Dương Nguyễn thì đưa ra một lập luận: 'Nó là một bình nén nhiên liệu dạng lỏng như Hydro hoặc Heli. Nó được bọc bởi một quả cầu khác. Bên trong thường từ 3 đến 7 quả cầu lớn nhỏ các loại. Quả cầu chứa này nằm ở khoang trên cùng của buồng đẩy. Khi Tên lửa thoát ra khỏi bầu khí quyển thì Modul buồng đẩy này được tự động tách ra. Thường thì nó tự huỷ trong không gian bời đã được cải sẵn một lượng nhiên liệu thừa để đốt cháy. Nhưng trong trường hợp này có thể do chục chặc kỹ thuật nên Modul này không bị đốt cháy mà rơi trở lại trái đất. Trong quá trình bay Modul vỏ bị đốt cháy do ma sát với tầng khí quyển. Điều này thật trùng hợp là ở một cự ly khá gần mặt đất thì Mudul này bị cháy hoàn toàn và làm rơi ra các quả cầu chứa nhiên liệu lỏng bên trong. Các quả cầu nay khi rơi ở một độ cao khá lớn do chênh lệch về áp suất mà tác động cho van đóng tự mở. Khi đó nhiên liệu nén bên trong được phun ra làm cho quả cầu tham gia một lúc vào 2 chuyển động. 1 là chuyển động rơi tự do (do lực hút trọng lực) 2 là chuyển động xoáy do lực đẩy của luồng nhiên liệu phun ra. Điều này giải thích được tại sao khi rơi xuống đất nó vấn xoáy và không tạo lỗ lớn. Vì một vật thể nếu xoay tròn với tốc độ lớn (ví dụ quả bóng đá) lực tiếp đất của chúng sẽ giảm chỉ còn 1/100 lần lực tiếp đất trực diện khi không xoay'.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm