Dân phòng bị tâm thần giết người: Ai chịu trách nhiệm?

29/11/2017 - 22:51
Một cháu bé 6 tuổi ngụ tại quận Tân Phú,TPHCM vừa bị dân phòng Hoàng Nhất Giang vô cớ sát hại ngay giữa thanh thiên bạch nhật.Sau đó, CA quận Tân Phú có báo cáo xác nhận Giang bị tâm thần phân liệt. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc thương tâm này?
Theo lời nhân chứng, vào trưa 26/11/2017, cháu K. (sinh năm 2011, ngụ quận Tân Phú) đến một tiệm tạp hóa để mua bánh thì bất ngờ một người mặc đồng phục bảo vệ dân phố (dân phòng) xuất hiện ngay phía sau lưng cháu bé, rồi nghe cháu khóc ré lên.

Đến lúc người dân phòng kia bỏ đi thì thấy ở cổ cháu bé có nhiều máu, bé ôm cổ chạy đi nhưng chỉ được một đoạn ngắn thì ngã gục xuống.
hoang-nhat-giang-tai-cong-an.jpg
Hoàng Nhất Giang tại cơ quan công an

Chủ tiệm thấy máu từ cổ bé tuôn ra quá nhiều, hoảng hốt tri hô. Một số người đi đường dừng lại hô hoán, hỏi nhà của bé để báo cho người nhà. Bé chỉ nói được câu “Có người giết con” rồi lịm đi. Sau đó, mẹ của bé đã đưa con đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Một nhân chứng khác cho biết, người dân phòng được xác định là Hoàng Nhất Giang, lúc đó đang trực tại chốt của phường 5, quận 11, sau khi ra tay sát hại cháu bé thì thản nhiên bước về chốt và đóng chặt cửa. Khi người cậu của cháu bé đến đập cửa để hỏi rõ sự tình thì Giang cầm dao ra truy đuổi, chém người cậu gần đứt tai, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Tân Phú, sau đó chuyển sang Bệnh viện 115 để khâu vết thương.
 
Hoàng Nhất Giang bị công an bắt giữ sau đó. Vụ án gây chấn động cả một khu phố vốn yên bình. Nhiều người dân không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến một vụ vô cớ giết người ngay giữa ban ngày. Điều khiến nhiều người lo sợ là kẻ thủ ác lại là một dân phòng.Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết Hoàng Nhất Giang có tiền sử bị tâm thần phân liệt càng khiến nhiều người hoang mang hơn.

Ai tuyển dụng người “tâm thần” vào lực lượng dân phòng?

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết: “Theo báo cáo sơ bộ từ Công an quận Tân Phú, Hoàng Nhất Giang có tiền sử bệnh tâm thần. Còn việc tại sao bị tâm thần mà tham gia lực lượng bảo vệ dân phố thì chúng tôi đang phối hợp xác minh thêm. Tuy nhiên, cần nói rõ lực lượng bảo vệ dân phố thuộc sự quản lý của UBND và tham gia giữ gìn an ninh chung ở khu vực”.
giay-chuyen-vien-cua-giang.jpg
Giấy chuyển viện của Hoàng Nhất Giang

Điều này được gia đình Giang chứng minh khi đưa ra tờ giấy chuyển tuyến mà bệnh viện quận 11 gửi Bệnh viện Tâm thần ngày 18/1/2016. Phần tóm tắt bệnh án ghi rõ chẩn đoán bệnh án của Giang là tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Tình trạng người bệnh lúc chuyển tuyến là bệnh tỉnh, tiếp xúc được.

Tại cơ quan công an, Giang cũng khai: Vì thời gian gần đây, Giang thường xuyên nghe văng vẳng bên tai tiếng cháu K. (nạn nhân bị sát hại) chửi mình là “đồ ăn trộm”, “đồ độc ác”… Chính vì sự hoang tưởng này mà Giang nghĩ đến việc sát hại cháu K. nhằm khỏi nghe tiếng chửi mình (!).
 
Vậy mà, Giang đã làm dân phòng được 4 năm nay, có nghĩa là từ khi đang điều trị bệnh tâm thần!
Vấn đề nhiều người đặt dấu hỏi lớn, đó là tại sao cơ quan chức năng lại tuyển dụng Hoàng Nhất Giang làm dân phòng, lực lượng có chức năng và nhiệm vụ trấn áp tội phạm, có quyền sử dụng một số công cụ hỗ trợ, để đối tượng này có điều kiện gây án một cách dễ dàng đến vậy?

Phân tích vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ ban hành về lực lượng bảo vệ dân phố đã quy định rất rõ về điều kiện, tiêu chuẩn bảo vệ dân phố.

Một trong những tiêu chuẩn của bảo vệ dân phố quy định tại điều 8 Nghị định 38 phải là người cư trú ổn định tại địa bàn; phải bảo đảm về sức khỏe, có lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Như vậy, một người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt là không đủ điều kiện để trở thành bảo vệ dân phố.

Điều 7 Nghị định 38 quy định trình tự, thủ tục để được công nhận bảo vệ dân phố cũng rất chặt chẽ. Theo đó, người được ứng cử vào ban bảo vệ dân phố phải do cư dân trên địa bàn bầu, sau đó trưởng công an phường chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định và trình Chủ tịch UBND phường ra quyết định công nhận.

Thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 1/3/2017, tại mục 4, phần V về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, quy định: "Không đưa vào lực lượng bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi".

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, với các quy định trên, việc đưa một người có tiền sử bệnh tâm thần tham gia lực lượng bảo vệ dân phố là hoàn toàn trái luật. Việc làm này đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Vì vậy, luật sư Đức cho rằng, Công an TPHCM cần kiểm tra, rà soát lại và truy trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm ở địa phương này (cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, cấp ủy chi bộ và ban điều hành khu phố và trách nhiệm liên đới của Chủ tịch UBND phường).

Đồng thời, qua vụ việc này, Công an TPHCM cũng cần rà soát lại toàn bộ lực lượng bảo vệ dân phố để chấn chỉnh, loại bỏ những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia lực lượng dân phố, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng tương tự. 

Tuy nhiên, một số luật sư cũng cho rằng, việc quy trách nhiệm trong vụ việc này sẽ rất khó, bởi trên thực tế việc tuyển dụng dân phòng hiện nay ở một số nơi là khá dễ dàng, lỏng lẻo, nhiều nguyên tắc không được tuân thủ.

Có thể, với những giấy tờ, bệnh án chứng minh có tiền sử tâm thần phân liệt, Hoàng Nhất Giang sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy, những ai đã tuyển dụng Giang vào lực lượng dân phòng sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm?

Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (gọi chung là phường), nơi bố trí lực lượng công an chính quy, do UBND phường quyết định thành lập. 

Theo đó, điều kiện, tiêu chuẩn của bảo vệ dân phố:

- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn.

- Có lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Có sức khỏe, có điều kiện, nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội; am hiểu pháp luật và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự.

- Không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quản chế hình sự hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác.

- Quan hệ tốt với nhân dân, được quần chúng tín nhiệm và được nhân dân trong cụm dân cư giới thiệu, bầu ra.



 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm