Dân quanh nhà cổ bị sập đi 'tị nạn'

27/09/2015 - 14:15
16 hộ dân sinh sống quanh khu biệt thự cổ tại ngõ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) được bố trí ở tạm tại nhà CT1 Định Công.
Chung cư CT1 Định Công nhìn bên ngoài khá đẹp nhưng tòa nhà này vẫn chưa được làm vệ sinh sau khi xây dựng xong. Trước nhà, phể thải vẫn đang chất đống. Tại các tầng, bụi bặm, đất cát vương vãi.

Mặc dù mỗi hộ đã được bố trí ở một căn nhưng tất cả các hộ đều chưa đưa bất kỳ vật dụng nào về đây. Ngay hôm đầu tiên các gia đình về nơi tạm cư, đến nửa đêm điện mới được nối. Tất cả các phòng đều trống trơn, mỗi hộ được cấp 1 chiếc chiếu để nằm tạm qua đêm trên nền gạch.

Trong 2 ngày 23 và 24/9, hàng chục công nhân đã có mặt tại nhà CT1 sửa điện, nước, dọn dẹp vệ sinh để giúp các hộ dân có thể tạm cư.

Gọi là về nơi ở mới nhưng do chưa có vật dụng gì để dùng nên 2 đêm nay, hầu hết các hộ vẫn đi ngủ tạm tại nhà bà con. Đêm đi ngủ nhờ, ban ngày lại xếp hàng chờ đợi tại số 107 Trần Hưng Đạo để xem có vớt vát được gì trong đống đổ nát hay không.

Bà Trần Thị Sửu (55 tuổi) cho biết, suốt mấy ngày nay, 2 con của bà phải nghỉ học để túc trực tại ngôi nhà đổ.
Bà Sửu bị thương ở chân sau vụ nhà cổ bị sập cho biết, do nơi tạm cư chưa có vật dụng gì nên 2 đêm nay, hầu hết các hộ vẫn đi ngủ tạm tại nhà bà con

Nhà bà Sửu bị đống đổ nát vùi lấp hầu hết tầng 1. Lúc sập nhà, Bùi Minh Châu (SN 1995), con gái bà Sửu, đang ở tầng 2, còn bà Sửu và con trai Bùi Đức Khiêm (SN 2003) đang ở tầng 1.

May mắn là bà Sửu chỉ bị thương nhẹ khi mấy viên gạch rơi đúng chân, 2 người con không hề hấn gì. Khoảng 30 phút sau, 3 mẹ con bà Sửu đã được giải cứu ra ngoài.

Bà Sửu cho biết, toàn bộ vật dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt... để ở tầng 1 đã bị gạch vữa đè hỏng hết.

May mắn hơn nhà bà Sửu, nhà anh Nguyễn Tấn Nam ở phía trong ngôi nhà sập nên chỉ bị lấp mất lối đi, còn tài sản không hư hại gì. Về nơi tạm cư, gia đình anh Nam chỉ mang theo áo quần cùng 1 chiếc quạt. “Cứ có chỗ ngủ đã rồi chờ quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng, lúc đó mới tính tiếp”, anh Nam chia sẻ.
Gia đình anh Nam chỉ mang theo áo quần cùng 1 chiếc quạt đến nơi tạm cư vì “cứ có chỗ ngủ đã rồi chờ quyết định của các cơ quan chức năng"

Giáp 2 bên của căn biệt thự Pháp cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo là lối đi liền kề với 62 hộ dân sinh sống, buôn bán. Ngôi nhà bị sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên, khiến nhiều người bị thương vong và hư hỏng tài sản. Những nạn nhân thương vong là người buôn bán ở chợ tạm trong ngõ và từ nơi khác đến.

Các chuyên gia cảnh báo, việc sập khối nhà ở giữa sẽ phá vỡ kết cấu chung của tòa nhà và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến 2 khối còn lại. Như vậy, với các hộ dân còn lại quanh ngôi biệt thự sẽ phải có giải pháp di dời để đảm bảo an toàn.

Ngày 23/9, Bộ Xây dựng đã có công văn số gửi UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng trên toàn quốc (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ).
 
Với căn biệt thự cổ tại ngõ 107 Trần Hưng Đạo, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản, xem xét, quyết định đối với các hạng mục công trình lân cận, tổ chức giám định nguyên nhân sự cố…

Vào thời điểm xảy ra vụ sập nhà, có 20 khoảng người bị mắc kẹt, trong đó 8 người bị thương vong (7 nữ, 1 nam; 2 nạn nhân nữ đã tử vong sau đó). UBND quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ bước đầu với mức 1,5 triệu đồng cho mỗi người bị thương và hỗ trợ gia đình có người tử vong 5 triệu đồng.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm và phường Cửa Nam (Q.Hoàn Kiếm) đã đến thăm hỏi, động viên và trợ cấp cho 16 hộ dân đến tạm cư đầu tiên tại khu nhà CT1 Định Công với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH Hà Nội và nhiều cơ quan, ban, ngành khác đã đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân và có sự hỗ trợ ban đầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm