Đạo diễn Singapore cho mẹ con Cám cơ hội hoàn lương trong kịch ‘Tấm Cám’

16/05/2019 - 22:10
Thay vì Tấm giết Cám làm mắm và gửi cho mẹ kế như trong truyện cổ tích, đạo diễn Chua Soo Pong đã kết lại vở kịch ‘Tấm Cám’ bằng cách để hai mẹ con Cám có cơ hội được hoàn lương.

Vở kịch thiếu nhi Tấm Cám do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng vừa ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong dàn dựng và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cố vấn nghệ thuật. Dưới bàn tay của vị đạo diễn ngoại quốc, câu chuyện cổ tích vốn rất quen thuộc với người Việt có những điều chỉnh mới mẻ và thú vị.

 

7.jpg
Linh hồn mẹ Tấm thay thế cho nhân vật ông Bụt
 

Trên Sân khấu Lệ Ngọc, câu chuyện Tấm Cám vẫn giữ được những chi tiết quan trọng như Cám xúc trộm cá của Tấm, bắt cá bống ăn, dì ghẻ bắt Tấm nhặt thóc trộn với gạo, Tấm đi vừa hài và trở thành vợ hoàng tử, Tấm trải qua các kiếp nạn như biến thành chim vàng anh, chui vào quả thị... Nhưng đạo diễn Chua Soo Pong đã “mạnh tay” cho “biến mất” nhân vật tưởng như không thể thiếu trong cốt truyện là ông Bụt. Thay vào đó, luôn bên cạnh Tấm mỗi khi gặp khó khăn chính là linh hồn mẹ của mẹ Tấm.

Đạo diễn Chua Soo Pong chia sẻ, ông muốn tô đậm hình ảnh người mẹ Việt Nam trong vở diễn. Dù đã mất đi nhưng mẹ của Tấm luôn theo dõi con, che chở và phù hộ mỗi khi con gặp hoạn nạn. “Trẻ em thời 4.0 gần như không tin rằng trên đời này có Bụt nhưng tình mẹ con thì luôn bất tử dù cho mọi thứ thay đổi”, đạo diễn Chua Soo Pong nói.

 

2.jpg
Cảnh mẹ con Cám bắt cá bống 
 

Đặc biệt, vở kịch Tấm Cám lược bỏ nhiều chi tiết tàn khốc trong truyện, trong đó cắt hoàn toàn đoạn Tấm làm mắm Cám và gửi cho dì ghẻ ăn. Thay vì hận thù, Tấm đã xin hoàng tử tha tội chết để mẹ con Cám có cơ hội hoàn lương. Phải làm thật nhiều việc tốt - đó là điều kiện hoàng tử đưa ra để tha tội chết cho mẹ con Cám. Việc “biến tấu” nguyên tác này đã khiến câu chuyện Tấm Cám trên sân khấu trở nên nhân văn hơn, phù hợp với trẻ thơ hơn.

Là vở diễn dành cho thiếu nhi nhưng Tấm Cám được Sân khấu Lệ Ngọc đầu tư dàn dựng rất công phu từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu, trang phục cho đến diễn xuất của diễn viên. Theo NSND Lệ Ngọc, bà luôn đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu và với đối tượng là trẻ em thì càng cần phải chăm chút hơn bao giờ hết. Điều đó sẽ giúp các em hình thành được cảm nhận, thẩm định tinh tế khi được tiếp cận với nghệ thuật đích thực ngay từ nhỏ chứ không phải những tấu hài nhí nhố, dễ dãi.

Tuy nhiên, nghệ thuật nghiêm túc không có nghĩa là khô cứng, là thiếu những “chiêu” mang lại hứng khởi cho trẻ nhỏ. Êkíp đã rất khôn khéo khi tạo được sự tương tác với các em khi để các nhân vật trong kịch có màn đối thoại với khán giả. Những tiếng la hét phản đối hay reo hò ủng hộ của hàng trăm khán giả nhí đã khiến khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội như vỡ tung trong buổi ra mắt vở diễn.

 

1.jpg
Các diễn viên nhí Tuệ Lâm, Phương Như, Như Khôi đảm nhận vai trò dẫn chuyện 
 

Ngoài ra, việc để các diễn viên nhí như Tuệ Lâm, Như Khôi, Phương Như đảm nhận vai trò dẫn chuyện cũng mang lại sự thích thú cho khán giả nhí, giúp các em nhập truyện một cách thoải mái, tự nhiên. Chỉ tiếc phần này hơi dàn trải, khiến người xem ít nhiều “sốt ruột”. Chia sẻ sau buổi diễn, NSND Lệ Ngọc cho biết, ê kip thực hiện vẫn đang tiếp tục gọt dũa để có được tác phẩm hoàn thiện hơn ở các buổi diễn sau.

Sau buổi ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch Tấm Cám sẽ tiếp tục được công diễn tại các rạp Đại Nam, Hồng Hà từ ngày 19/5 tới. NSND Lệ Ngọc cũng cho biết, bà dự định sẽ mang vở kịch tham gia Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tổ chức tại Toyama (Nhật Bản) vào năm 2020.

Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội do NSND Lệ Ngọc thành lập. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát Kịch TP.HCM. Những tác phẩm nổi bật mà Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng gồm có: Ngũ biến, Kim Tử, Thị Nở - Chí Phèo… Nhiều tác phẩm đã được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...

Một số hình ảnh trong vở diễn "Tấm Cám":

8.jpg
 
6.jpg
 
5.jpg
 
4.jpg
 
9.jpg
 
3.jpg
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm