Đào tạo sau đại học: Nghịch lý trường càng lớn càng khó tuyển sinh

23/03/2019 - 18:05
Đây là thực trạng được chính lãnh đạo các trường đại học tốp đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM… nêu lên, khi nói đến tuyển sinh sau đại học. Và thực tế là quy mô đào tạo sau ĐH đã buộc nhiều trường phải cắt giảm, hoặc tìm các nguồn học bổng hấp dẫn để thu hút học viên.

Sáng 23/3, tại Hà Nội, trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc VinGroup) tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp”. Mặc dù nhân lực có trình độ sau ĐH được ưu tiên hơn về đãi ngộ, nhưng nghịch lý là càng ngày, số có nhu cầu học sau ĐH càng giảm và các trường càng khó tuyển sinh, kể cả những trường lớn, nhiều uy tín.

img_8817.jpg
Diễn giả tham gia tọa đàm sáng 23/3. Ảnh: D.H 

Thực trạng được lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu lên đáng suy ngẫm, khi số lượng tuyển sinh Thạc sĩ giảm mạnh.Theo đó, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh Thạc sĩ khoảng 2000/năm, nhưng nay đã giảm chỉ còn 500-600 và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp. Con số này còn thiếu hụt nhiều so với năng lực đào tạo của trường (gần 800 giảng viên là Tiến sĩ, hơn 40 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, và chỉ bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh ĐH).

Với đào tạo Tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm ổn định khoảng 100 người mỗi khóa, nhưng năm vừa rồi chỉ tuyển được 35.

Tình hình cũng không mấy khả quan hơn tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học sau ĐH giảm. Trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 mỗi khóa. Đây là thực trạng chung của nhiều trường ĐH khối kỹ thuật chứ không riêng gì hai trường “tốp đầu” nói trên.

Lý giải cho nghịch lý này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nhiều sinh viên chọn tiếp tục học lên cao ở nước ngoài bởi họ được hỗ trợ từ nguồn học bổng khá cao. Trong khi đó, học ở trong nước, người học vừa phải tự trả học phí và trả cả chi phí nghiên cứu.

“Thực tế, nhiều trường ĐH nước ngoài đến mời chào thậm chí có ranking thấp hơn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng họ lại có hỗ trợ cho học viên. Như vậy, các em sẽ lựa chọn đi học ở nước ngoài vì vừa có trải nghiệm mới, vừa được trả tiền để đi học” – ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Mai Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sáng tạo Mobifone, do đặc thù của ngành kỹ thuật nên luôn ưu tiên kinh nghiệm nhiều hơn là trình độ. Nếu vào những trang tuyển dụng lớn có thể thấy có rất ít vị trí yêu cầu trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ mà chủ yếu yêu cầu kĩ sư, Cử nhân có nhiều năm kinh nghiệm. Sinh viên không có lý do gì khi thấy yêu cầu như vậy lại đi học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ.

l-tt-nghip-tin-s-thc-s-nm-2016-10.jpg
Đào tạo sau đại học ở các trường khối kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa 

Điều này cũng được ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KHCN đồng tình khi nhìn nhận rằng, nhu cầu trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ không phải nhiều trong các doanh nghiệp. Hiện chỉ có một vài tập đoàn lớn có bộ phận nghiên cứu phát triển cần nhân lực trình độ như trên; còn khoảng 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có nhu cầu lao động trình độ cao…

Nói về giải pháp, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. Khá nhiều trường, chương trình thiết kế thời gian phải học rất nhiều, nhưng thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu còn ít. Còn theo ông Mai Thanh Phong, nhà trường cần xem lại chính mình xem đào tạo có đáp ứng yêu cầu hay không. Trên thực tế, chương trình đào tạo còn theo lối mòn, chưa thiết kế chương trình một cách linh động theo nhu cầu luôn biến đổi của thị trường và xã hội.

Chính sách học bổng để hỗ trợ người học cũng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút học viên đào tạo sau đại học, nhằm giải quyết bài toán tài chính cho người học. Điều này cũng khiến các trường phải đau đầu khi nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, cũng như tạo ra một cơ chế chính sách rõ ràng khi liên kết hỗ trợ học bổng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm