Đau đầu vì con dâu lúc nào cũng quay cuồng với tiền

04/03/2019 - 18:56
Có trình độ học vấn cao lại năng nổ, cô con dâu của bác tôi kiếm tiền rất giỏi. Những tưởng tiền nhiều sẽ mang lại tiếng cười cho gia đình bác tôi, nhưng điều ngược lại đã đến.

Con dâu bác tôi từ nhỏ đã có tiếng là học giỏi. Lên cấp hai, cô theo học lớp chuyên của huyện, rồi của tỉnh. Sống xa nhà từ nhỏ, trong môi trường tập thể, ăn cơm tập thể nên hầu như cô không phải làm việc gì và cũng không biết làm gì ngoài việc học. Bù lại, cô là người sống rất tự lập.

1-1.jpg
Ảnh: Minh họa

 

Tốt nghiệp đại học sư phạm Toán, cô tiếp tục theo học thạc sĩ. Với bằng cấp của cô, cô đã được trường chuyên của huyện, nơi cô đã từng học nhận về đứng lớp. Thế nhưng, cô đã nhất quyết ra thủ đô, theo đuổi con trai bác tôi sau lần con trai bác tôi về trường cô làm tình nguyện. Mặc dù hơn tuổi, quê cô ở nơi xa xôi, heo hút trong khi con trai bác tôi cũng có bằng cấp không kém lại có công ăn việc làm ổn định nhưng bác tôi không hề kêu ca, phàn nàn điều gì. Không những thế, gia đình bác tôi luôn ủng hộ mối quan hệ của đôi trẻ. Chỉ có điều trước khi cô quyết định thôi việc ở trường chuyên của huyện, bác tôi có gọi cô và con trai lại để trao đổi. Biết cô chỉ có ước mơ duy nhất là làm nghề dạy học nên bác ôn tồn nói: "Thủ đô là nơi có nhiều cơ hội nghề nghiệp, không khó để kiếm việc làm nếu có năng lực, trình độ. Tuy nhiên, nghề giáo viên thì ngược lại, rất khó xin việc, nhất là một số bộ môn như văn, toán, ngoại ngữ… Vì thế, nếu để chọn nghề phù hợp thì cô nên suy xét cho thật kỹ".

 

Con dâu bác tôi lúc đó vừa nghe bác nói đã tỏ vẻ tự ái, cho rằng bác tôi cố ý nói vậy vì không đồng ý với mối quan hệ của cô. Cô chẳng nói chẳng rằng mà thúc con trai bác tôi tổ chức cưới càng nhanh càng tốt.

 

Đúng như những gì bác tôi nói, sau đám cưới, cô không có cơ hội nộp đơn xin việc vì mấy năm liền, thủ đô không tổ chức thi tuyển giáo viên vì lượng giáo viên đang dư thừa. Các trường ngoài công lập cũng không thiếu giáo viên. Tuy nhiên, cô vẫn có việc vì đi dạy gia sư và tổ chức lớp dạy thêm ở nhà. Dù không dạy ở trường nhưng cô vẫn có học sinh, thu nhập tăng dần theo năm tháng. Tháng cao điểm, nước rút thi vào lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT, cô có mức thu lên tới 30 triệu đồng/tháng, những tháng còn lại, bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, đưa mức thu nhập bình quân của hai vợ chồng cô lên tới 30-40 triệu đồng/tháng. Chưa kể, toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt của vợ chồng cô được bác tôi “bao” hết để vợ chồng cô gửi tiết kiệm. Chỉ trong một vài năm, hai vợ chồng cô đã có trong tay tiền tỷ.

 

Mặc dù có tiền gửi ngân hàng, có cậu con trai kháu khỉnh, mọi việc trong nhà cũng như việc chăm sóc cháu nội được gia đình bác tôi lo hết, tạo mọi điều kiện để vợ chồng cô làm việc, kiếm tiền nhưng cô vẫn khó chịu ra mặt. Cô vẫn cho rằng bác tôi chưa hết lòng với gia đình nhỏ của cô. Cô đưa ra rất nhiều lý lẽ: Lẽ ra, bác tôi phải mua nhà riêng cho vợ chồng cô chứ cô đâu phải “đầu tắt mặt tối” kiếm tiền như thế; lẽ ra, mỗi tháng bác tôi phải chi cho cháu nội một số tiền nhất định để cô đi gửi trẻ; lẽ ra, chồng cô phải kiếm nhiều tiền hơn để sau này cô có đủ tiền cho con cô đi du học nước ngoài…

 

Với lý do đó, những ngày Tết nhất, giỗ chạp, cô nhất quyết không đưa cho gia đình bác tôi đồng nào để mua sắm hay gửi chút lễ về thắp hương tổ tiên. Mặc dù gia đình bác tôi cũng chẳng dư dả gì, tiền lương hưu của cán bộ, công chức chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình và nuôi cậu con trai út ăn học. Số tiền tiết kiệm được bác tôi dồn cả vào xây ngôi nhà mà cô và gia đình bác tôi đang ở. Không những thế, thỉnh thoảng, cô lại bỏ về ngoại để “dằn mặt” nhà chồng.

 

Gần đây, cô còn tuyên bố, cô đã nộp đơn xin việc ở một trường dân lập ở một thành phố gần quê cô. Mùa hè này, cô sẽ chuyển về đó công tác tại trường và mở trung tâm dạy thêm để hy vọng có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tất nhiên, lựa chọn là của cô, tương lai là của cô, cô tự quyết định, bác tôi cũng không có ý kiến gì. Bác chỉ khuyên, cô nên chuyển vào trước, ổn định công việc, nhà cửa, có thời gian để chồng tìm việc, vào sau cùng con, nhưng cô nói thẳng với bác tôi nếu con trai bác - chồng cô không chuyển đi cùng một lúc thì một mình cô sẽ bế con đi, cả hai coi như không còn duyên phận và trong tay cô đã sẵn tờ đơn ly hôn. Cô nói, để khi cần ra tòa cho tiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm