Phá vỡ im lặng
Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ về nạn hiếp dâm như một công cụ chiến tranh, nhưng rõ ràng, bạo lực tình dục đã tồn tại hàng thế kỷ trên khắp thế giới. Theo tổ chức phi chính phủ "We Are Not Weapons of War" (Chúng ta không phải là vũ khí chiến tranh), ước tính, hơn nửa triệu người đã bị hãm hiếp ở Rwanda trong những năm 1990. Gần đây, hơn 7.000 phụ nữ Yazidi được cho là đã bị IS bắt làm con tin. Gần một nửa trong số họ vẫn bị giam cầm.
"Cưỡng hiếp là một vũ khí còn mạnh mẽ hơn cả một quả bom nguyên tử hay một viên đạn. Ít ra một viên đạn sẽ giết chết bạn. Nhưng nếu bị cưỡng hiếp, cộng đồng sẽ coi bạn như một kẻ bị nguyền rủa. Sẽ không có ai nói chuyện với bạn, không người đàn ông nào để mắt đến bạn. Cuộc sống đó cũng giống như cái chết vậy", Jeanna Mukuninwa, một phụ nữ tới từ Shabunda (Congo - DRC) từng chia sẻ.
Nỗi đau của Mukuninwa đeo đẳng, trở thành cơn ác mộng mỗi khi nhớ về năm 2004, vào cuối cuộc nội chiến ở Congo, binh lính đã tràn vào ngôi làng của cô. Những người đàn ông bị tra tấn rồi giết chết. Còn những người phụ nữ, trong đó có Mukuninwa, bị hãm hiếp hết lần này đến lần khác. Khi họ ngất đi vì đau đớn, bọn lính lại dội nước bắt họ tỉnh lại. Các nhân viên y tế quốc tế cho biết, họ đã chứng kiến các vụ hãm hiếp có hệ thống diễn ra ở khắp mọi nơi, trong các ngôi làng, trạm kiểm soát trên đường… Chính Liên hợp quốc cho biết đã có 200.000 phụ nữ và trẻ em ở Congo đã bị cưỡng hiếp trong cuộc xung đột kéo dài. Còn ở Nam Sudan thì nạn nhân lên đến hàng nghìn.
Desanges cũng là người sống sót sau bạo lực tình dục diễn ra trong cuộc xung đột tại Congo. Desanges hiện là thành viên tích cực của Phong trào “Những nạn nhân sống sót từ Congo” (DRC Survivors). Gần đây, cô đóng vai chính trong một bộ phim nói về cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân bị hiếp dâm Congo.
Còn Carmen Zape Paja là một phụ nữ người Nasa bản địa ở Colombia từng bị cưỡng hiếp bởi lực lượng du kích vũ trang cách mạng Colombia. “Hiếp dâm tập thể và các hình thức bạo lực tình dục khác thường xuyên được sử dụng để khẳng định sự kiểm soát và gây ra nỗi sợ hãi cho cộng đồng. Bạo lực tình dục làm tăng sự phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị đối với người dân bản địa”, Carmen Zape Paja nói.
Ước tính, khoảng 16.000 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục ở Colombia trong mấy thập kỷ qua. Hiện nay, Carmen làm việc với các cộng đồng bản địa và người khuyết tật, sử dụng chương trình giáo dục và các phương tiện truyền thông để chống lại bạo lực tình dục. Năm 2016, cô đã giành được một giải thưởng quốc gia cho những nỗ lực hoạt động chống lại bạo lực tình dục.
Cũng giống như Carmen Zape Paja và Desanges, Iryna Dovgan, một cô gái người Ukraina cũng là nạn nhân của bạo lực tình dục. Cô bị bắt giữ, tra tấn và làm nhục vào tháng 8/2014. Hiện nay, Iryna sống ở Kyiv, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Cô thường xuyên phát biểu tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế về nhân quyền.
Năm 14 tuổi, Ekhlas Bajoo tận mắt chứng kiến phiến quân IS giết chết cha mình ở Iraq. Sau đó, cô bị bắt cóc làm nô lệ tình dục trong 6 tháng cho đến khi tìm cách trốn thoát thành công. Ekhlas đến tị nạn ở Đức và trở thành một nhà hoạt động nhân quyền, bảo vệ những người sống sót và nhóm thiểu số bị đàn áp. Ekhlas Bajoo cũng tham gia vào chương trình tư vấn trực tuyến, cung cấp thông tin, hỗ trợ cho những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục. Ekhlas đang theo đuổi giấc mơ trở thành một luật sư.
Riêng Grace Acan bị bắt cóc trong đêm khuya tại ký túc xá của trường ở Aboke (Uganda) năm 1996. Cô bị phiến quân giam giữ trong 8 năm, buộc phải kết hôn với một người lính và sau đó sinh 2 đứa con. Nhân một cuộc tấn công quân sự, Grace Acan bỏ trốn, được đoàn tụ với gia đình, thi đỗ đại học và trở thành một người phụ nữ độc lập. “Những cô gái trẻ bị bắt cóc và lạm dụng tình dục bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nặng nề trong suốt khoảng thời gian dài. Hãy cùng chung tay xây dựng lại cuộc sống mới!”, Grace Acan nói.
Vasfije Krasniqi Goodman là nạn nhân bạo lực tình dục đầu tiên từ cuộc chiến Kosovo đã chia sẻ câu chuyện của mình trên truyền hình mà không che giấu danh tính. Tháng 10/2018, cô nói với một khán giả ở Pristina những gì đã xảy ra với cô gần 20 năm trước, khi cô bị cảnh sát Serb bắt cóc và cưỡng hiếp khi mới 16 tuổi. Bài nói chuyện của cô được phát toàn quốc trên đài truyền hình của Kosovo. Goodman hiện sống ở Texas với gia đình và trở về quê hương để chia sẻ câu chuyện của mình. Cô tiếp tục kể câu chuyện của bản thân trên khắp thế giới như một phần của chiến dịch “Hãy lên tiếng" (Be My Voice) của Trung tâm phục hồi nạn nhân Kosova nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Giúp nạn nhân rũ bỏ đau thương, hòa nhập cộng đồng
Ngày 23/4/2019, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2467 nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục trong xung đột. Bản nghị quyết 2467 nhắc lại yêu cầu của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc rằng tất cả các bên xung đột vũ trang cần “ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn” tất cả các hành vi bạo lực tình dục, đồng thời kêu gọi các bên liên liên quan đưa ra lời cam kết và thực hiện các cam kết ràng buộc cụ thể về thời gian nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ, chăm sóc nạn nhân của bạo lực tình dục trong khu vực chiến sự.
Đã có hàng nghìn phụ nữ đã bị hãm hiếp ở Kosovo khi người Serb và lực lượng dân tộc Albania chiến đấu để kiểm soát lãnh thổ 2 thập kỷ trước. Họ phải chịu đựng nỗi đau trong im lặng và đang vật lộn để được công nhận là nạn nhân chiến tranh dân sự. Nhiều người đang nộp đơn xin trợ cấp chính phủ cho các nạn nhân bạo lực tình dục thời chiến với mức lương 230 euro (260 USD) một tháng cho đến cuối đời. Để đủ điều kiện nhận trợ cấp, các nạn nhân phải cung cấp chi tiết về các cuộc tấn công trong quá trình nộp đơn dài đòi hỏi bằng chứng về hiếp dâm, bao gồm hồ sơ y tế, ghi chú trị liệu và lời khai nhân chứng. Đó là một quá trình mệt mỏi và đau đớn nếu muốn được công nhận hợp pháp là nạn nhân dân sự của cuộc chiến. Nữ tổng thống đầu tiên của Kosovo là Atifete Jahjaga đang tích cực thúc đẩy việc công nhận những người sống sót sau bạo lực tình dục là nạn nhân chiến tranh dân sự, yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho họ từ cả chính phủ và xã hội.
Bác sĩ người Congo Denis Mukwege - người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2018 cho biết, ông đã điều trị cho hàng chục nghìn người sống sót sau khi bị hãm hiếp. Họ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nạn hiếp dâm được sử dụng như một vũ khí chiến tranh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông cho rằng, bạo lực tình dục là một tội ác chống lại loài người và việc hàn gắn vết thương cho những nạn nhân bị bạo lực tình dục chỉ có thể trở nên trọn vẹn nếu như công lý được thực thi. Trong khi đó, cô Nadia Murad - Người đã từng bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ làm nô lệ tình dục cũng bày tỏ rằng, sự kết nối xã hội với cộng đồng người Yazidi của cô đã bị cắt đứt và cô kêu gọi sự trợ giúp từ phía cộng đồng thế giới để có thể hàn gắn lại mối quan hệ này.
Bukavu và Goma, hai vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất Congo là nơi tổ chức những chương trình địa phương và quốc tế nhằm giúp những nạn nhân bị cưỡng hiếp trở thành những người sống sót. Là một bác sĩ phụ khoa và điều phối viên y tế của bệnh viện Panzi dành cho những người sống sót sau bạo lực tình dục ở Bukavu, bác sĩ Neema Rukunghu hiểu rõ hơn ai hết những tổn hại thân thể của những người phụ nữ bị hãm hiếp. Bà Rukunghu cho biết những vết thương vô hình vì bị hiếp dâm còn tồi tệ hơn và khó chữa lành hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Eve Ensler và Christine Schuler-Deschryver, những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở địa phương đã lập ra chương trình City of Joy (Thành phố niềm vui) tại Bukavu. Đây là một chương trình kéo dài dành cho những người sống sót sau các vụ cưỡng hiếp với các hoạt động trị liệu theo nhóm, xóa mù chữ, đào tạo lãnh đạo, dạy cách tự vệ và học về luật nhân quyền. Mỗi khóa học có 90 phụ nữ tham gia. Mục tiêu của chương trình là hướng đến việc tăng cường sức mạnh cho phụ nữ. Các kỹ năng sống và đào tạo người lãnh đạo giúp họ thêm tự tin, không khí gần gũi cho phép họ xây dựng các mạng lưới hỗ trợ vẫn duy trì ngay cả khi chương trình kết thúc. Những người tốt nghiệp khóa học sẽ thành lập và lãnh đạo những nhóm hỗ trợ phụ nữ khi trở về với cộng đồng của họ.