Đầu tư vào phụ nữ để thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch

Nhu Thụy
07/06/2022 - 17:34
Đầu tư vào phụ nữ để thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch

Một cuộc tuần hành yêu cầu các chính phủ đầu tư cho phụ nữ

Đó là một trong những giải pháp được thảo luận và đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới sau 2 năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Những đe doạ khôn lường

Các phiên thảo luận của WEF 2022 tập trung vào sự gia tăng giá năng lượng và mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. Bên cạnh đó là suy tư về bình đẳng giới, bất bình đẳng, nhu cầu tạo việc làm được trả lương xứng đáng. Chủ đề trọng tâm cũng như những giải pháp được thảo luận và đề xuất tại hội nghị thể hiện sự quan tâm và nguyện vọng hướng đến thịnh vượng, ổn định và phát triển sau 2 năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 cũng như trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị hiện nay.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đang bóp nghẹt các hộ gia đình trên khắp thế giới. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, gây thêm áp lực lên các quốc gia, công ty và gia đình có sử dụng nợ. Bên cạnh sự gia tăng đột biến trên thị trường tài chính là mối đe dọa dai dẳng từ biến đổi khí hậu. IMF kêu gọi các chính phủ hạ thấp các rào cản thương mại để giảm bớt tình trạng thiếu hụt và giảm giá lương thực và các mặt hàng khác, đồng thời đa dạng hóa xuất khẩu để cải thiện khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu khiến công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu suy giảm rõ rệt, đi kèm với đó là sự gia tăng bất bình đẳng trong nội tại và giữa các quốc gia. Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người trong thế giới việc làm vẫn đang phải hứng chịu những tác động đối với thị trường lao động:

- Khoảng cách giới về số giờ làm việc gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Trong quý 1/2022, khoảng cách giới trong số giờ làm việc toàn cầu là 0,7 điểm phần trăm, cao hơn so với mức trước khủng hoảng (quý 4/2019), thời điểm vốn đã tồn tại một khoảng cách lớn giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ làm công việc không chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xét theo nhóm thu nhập, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ghi nhận mức gia tăng lớn nhất trong khoảng cách giới.

- Số lượng công việc cần tuyển người tăng vọt tại các nền kinh tế tiên tiến tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt với tình trạng số lượng vị trí cần tuyển tăng cao hơn so với số người tìm việc. Tuy nhiên, nhìn chung, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thị trường lao động đang phát triển quá nóng bởi số lượng lao động thất nghiệp và lao động không được tận dụng đầy đủ tiềm năng vẫn ở mức đáng kể tại nhiều quốc gia.

- Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trầm trọng những đứt gãy trong sản xuất và thương mại, dẫn đến giá lương thực và hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình nghèo và doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những đối tượng thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.

Công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm

"Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau và chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm", Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh.

Theo sáng kiến Chương trình "Tăng tốc toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội" của Liên hợp quốc do ILO dẫn dắt, cần điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách cẩn trọng để giải quyết những sức ép liên quan đến lạm phát và tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi bao trùm và tạo ra nhiều việc làm. Hỗ trợ các nhóm và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, những người lao động đặc biệt dễ bị tổn thương và những người đang chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức. Các chính sách theo ngành mang tính dài hạn, được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tạo việc làm, hỗ trợ tính bền vững và bao trùm, đồng thời trợ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thu hẹp khoảng cách giới toàn cầu hoạt động như một hiệu ứng bậc thang: Với tầm nhìn về tương lai, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch niềm tin là những cách thực tế để thúc đẩy hơn nữa việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Các nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia như Nhật Bản, Ý và Mỹ đang công bố các biện pháp cải thiện tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFP) của phụ nữ, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm đạt được mức lương bình đẳng giới, thúc đẩy kỹ năng kỹ thuật số cho phụ nữ, từ đó, tạo nền tảng cho cơ hội nắm giữ của cải lớn hơn cho phụ nữ.

Các nhà đầu tư, giám đốc điều hành đã tập trung vào việc cải thiện bình đẳng giới trong hội đồng quản trị, tăng số lượng phụ nữ trong các nhóm quản lý điều hành. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã soạn thảo luật để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nhân nữ thông qua các khoản tín dụng thuế. Tuy nhiên, điều mà các doanh nhân nữ và các doanh nghiệp đa dạng giới muốn không phải là sự thiên vị mà là một xuất phát điểm bình đẳng trong thế giới hậu đại dịch.

Kể từ sau đại dịch, nhiều người sử dụng lao động và người lao động đã đánh giá cao tính linh hoạt hơn trong việc sắp xếp công việc. Tính linh hoạt thường được coi là vấn đề của phụ nữ. Công ty bảo hiểm Zurich (Thụy Sĩ) đã đưa các từ "bán thời gian", "chia sẻ công việc" và "làm việc linh hoạt" vào các quảng cáo tuyển dụng của mình. Số lượng phụ nữ ứng tuyển vào các vai trò quản lý đã tăng lên gần 20%. Trên toàn Liên minh châu Âu (EU), lao động nữ có khả năng làm việc bán thời gian cao gấp 4 lần so với nam giới. Các nước Bắc Âu dẫn đầu về luật cho phép chia sẻ bình đẳng thời gian nghỉ của cha mẹ, thay vì chỉ dành cho các bà mẹ nghỉ sinh.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp". WEF 2022 có sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức cũng như các cơ quan truyền thông.
Nguồn: weforum.org
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm