Đau vùng chậu khi nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Châu Anh
26/06/2024 - 12:33
Đau vùng chậu khi nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Ảnh minh họa

Đau vùng chậu được mô tả là cảm giác đau âm ỉ và cảm giác tức nặng ở vùng bụng dưới rốn với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cơn đau vùng chậu có thể kéo dài liên tục hoặc đau ngắt quãng. Đau vùng chậu đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo bất thường và đau lưng dưới.

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị đau vùng chậu liên quan đến đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa. Ở phụ nữ, đau vùng chậu thường do các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ hoặc mang thai ngoài tử cung.

1. Xương chậu nằm ở đâu?

Trong giải phẫu, xương chậu hay còn gọi là xương dẹt, nằm ở phần cuối của cột sống thắt lưng, nằm dưới thắt lưng bao quanh phần xương cột sống đoạn dưới. Xương chậu có hình cánh quạt gồm 4 bờ, 2 mặt và 4 góc, do 3 xương hợp thành: xương cánh chậu ở trên, xương mu ở trước, xương ngồi ở sau. Ở một góc độ khác thì xương chậu nằm ở trên phần xương đùi, đan xen cùng với xương hông và phần đầu của xương đùi.

Nền xương chậu được tạo thành từ một mạng lưới các cơ và dây chằng được gọi là sàn chậu. Cấu trúc này có chức năng hỗ trợ bàng quang, trực tràng, đại tràng và các cơ quan sinh sản. Các vấn đề với bất kỳ cơ quan hoặc cơ nào trong số này có thể dẫn đến cảm giác đau vùng chậu.

2. Nguyên nhân gây đau vùng chậu chung ở nam giới và nữ giới

Bất kể giới tính nào thì có một số nguyên nhân có thể gây ra các cơn đau vùng chậu với nhiều mức độ đau khác nhau, những nguyên nhân này có thể bao gồm:

- Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường gặp bao gồm: Đau bụng (có thể nặng hơn khi căng thẳng hoặc ăn uống), thay đổi nhu động ruột, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đại tiện không hết, chất nhầy trong phân.

Đau vùng chậu khi nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?- Ảnh 1.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa (Ảnh: ST)

- Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường là nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, vi khuẩn nhân lên và gây viêm đau. Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm: đau vùng bàng quang (vùng thấp của xương chậu), tần suất đi tiểu tăng lên, đau rát khi đi tiểu, buồn tiểu ngay cả khi vừa đi xong, có lẫn máu trong nước tiểu.

Ở người lớn tuổi, các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ít rõ ràng hơn, chẳng hạn như: cảm giác khó chịu nói chung ở toàn thân và bụng dưới rốn, mệt mỏi, yếu ớt, tiểu không tự chủ, thay đổi hành vi,...

- Sỏi thận

Sỏi thận hình thành do sự tích tụ khoáng chất trong nước tiểu. Các khoáng chất liên kết với nhau thành tinh thể dẫn đến sỏi thận.

Nếu một viên sỏi đủ lớn để mắc kẹt trong đường tiết niệu, nó có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm: Đau, đặc biệt là đau khi đi tiểu; cảm giác buồn tiểu tăng lên; nước tiểu lẫn máu; buồn nôn và nôn mửa; nước tiểu đổi màu hoặc có mùi hôi;...

- Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là các loại bệnh có thể mắc phải khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng đường miệng hay quan hệ bằng đường hậu môn. Có nhiều loại bệnh STIs khác nhau với nguyên nhân gây bệnh khác nhau như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng: Lậu, Chlamydia, Mycoplasma, Ureaplasma, Trichomonas…

Tùy thuộc vào loại bệnh STIs mắc phải mà triệu chứng bệnh cũng khác nhau. Tuy nhiên một số triệu chứng chung có thể kể đến như: Các vết loét, cục u, phát ban, nốt mụn cóc ở vùng sinh dục; chảy máu âm đạo; ngứa bộ phận sinh dục; đau khi đi tiểu; sự thay đổi bất thường ở âm đạo, dương vật và hậu môn về hình dáng.

- Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm cấp tính và nghiêm trọng ở một phần ruột gọi là ruột thừa. Đây là một cấp cứu phổ biến trong bệnh lý ngoại khoa ổ bụng. Cơn đau vùng hố chậu phải là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm ruột thừa.

Các triệu chứng viêm ruột thừa khác bao gồm: Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là ở trẻ em; các rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy; mệt mỏi; sốt; môi khô; lưỡi bẩn.

Viêm ruột thừa nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thủng ruột, viêm phúc mạc đặc biệt nguy hiểm.

- Viêm bàng quang

Viêm bàng quang xảy ra do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài qua đường dẫn tiểu (ống niệu đạo). Viêm bàng quang gây ra các cơn đau vùng chậu, đau vùng trên mu và đau bụng kèm theo các triệu chứng khác như: Nước tiểu đục, nước tiểu lẫn máu, nước tiểu có mùi hôi nồng nặc, tiểu són, tiểu gấp, tiểu dắt, đau rát khi đi tiểu, sốt nhẹ.

3. Đau vùng chậu ở nữ giới

Cấu tạo hệ thống sinh sản nữ có thể là nguyên nhân gây đau vùng chậu ở phụ nữ. Hầu như bất kỳ cấu trúc nào trong bụng đều có thể là nguồn gây đau tiềm ẩn, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu bạn có các cơn đau mới với mức độ tăng nặng.

Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu ở nữ giới bao gồm:

- Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung hay còn gọi là chửa ngoài tử cung xảy ra khi phôi (trứng đã thụ tinh) làm tổ bên ngoài tử cung, thường là ở vòi trứng, ổ bụng hoặc cổ tử cung. Mang thai ngoài tử cung thường xảy ra ở những phụ nữ có ống dẫn trứng bị hẹp hay dị tật.

Thời gian đầu, các triệu chứng của chửa ngoài tử cung cũng tương tự như khi mọi phụ nữ mang thai khác. Tuy nhiên nếu có dấu hiệu mang thai nhưng siêu âm không thấy túi thai trong tử cung thì cần chú ý tới nguy cơ chửa ngoài tử cung.

Chửa ngoài tử cung có thể gây ra các cơn đau vùng chậu kèm theo chậm kinh, đau bụng, xuất huyết âm đạo, co thắt bụng dưới dữ dội, ngất xỉu, cơn đau lan tỏa từ bụng có thể lan lên tới vai.

Nếu ống dẫn trứng bị vỡ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Các triệu chứng vỡ ống dẫn trứng có thể bao gồm đau dữ dội, chảy máu, tụt huyết áp, ngất xỉu và sốc. Thai ngoài tử cung bị vỡ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

- Thai kỳ

Đau vùng chậu, đau lưng dưới và chuột rút là hiện tượng bình thường trong một thai kỳ khỏe mạnh. Đau vùng chậu nghiêm trọng hơn, được gọi là đau vùng chậu liên quan đến thai kỳ, xảy ra ở 1/4 đến 2/3 số ca mang thai.

Đau vùng chậu liên quan đến thai kỳ thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Cơn đau là do sự kết hợp của việc tăng cân và sự thay đổi hormone, trong đó có một loại hormone đặc biệt là relaxin có tác dụng làm thư giãn các dây chằng, cơ và khớp ở xương chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.

Các loại đau vùng chậu khi mang thai bao gồm: đau vùng xương mu, rối loạn chức năng hoặc đau dây chằng tròn. Cả hai đều có thể gây ra cảm giác đau nhói, áp lực hoặc khó chịu có thể lan ra khắp cơ thể mẹ bầu như: Háng, bụng dưới, đáy chậu, đùi.

Nếu cơn đau vùng chậu khi mang thai gây khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt của mẹ bầu, tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể xem xét một số liệu pháp điều trị sàn chậu nếu cần thiết hoặc đeo đai hỗ trợ vùng chậu, xoa bóp,...

Vào cuối thai kỳ, đau vùng chậu, căng cơ vùng xương chậu, đau âm ỉ vùng bụng dưới kèm theo đau thắt lưng và đau bụng có thể là dấu hiệu chuyển dạ. Cơn đau chuyển dạ thật thường đều đặn, trung bình khoảng 1 phút, xảy ra thường xuyên cho dù sản phụ thay đổi vị trí hay nghỉ ngơi.

- Bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (PID) là do nhiễm trùng tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và/hoặc âm đạo. Bệnh có nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia. Khi mặc bệnh, cơn đau vùng chậu có thể trở nên trầm trọng hơn khi quan hệ tình dục. Nếu áp xe (một khối u bị nhiễm trùng) phát triển, có thể dẫn đến đau vùng chậu nghiêm trọng và sốt.

Các triệu chứng của PID có thể bao gồm: Sốt, dịch tiết âm đạo bất thường có thể có mùi hôi, đau hoặc chảy máu khi quan hệ, cảm giác bỏng rát khi đi tiểu, chảy máu bất thường giữa chu kì kinh nguyệt.

- Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung khiến mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng như buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc ruột.

Đau là triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung với nhiều loại đau khác nhau, bao gồm: đau bụng kinh nghiêm trọng hơn theo thời gian, đau kéo dài ở vùng lưng dưới và vùng chậu, đau trong và đau sau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, đau khi đi nhu động ruột hoạt động (đau ruột) kèm theo chảy máu giữa chu kì kinh nguyệt, các vấn đề tiêu hóa bất thường như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng,...

- U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u lành tính (không phải ung thư) trong tử cung. U xơ tử cung có thể gây ra các triệu chứng bao gồm: Chảy máu nhiều trong chu kì kinh nguyệt, bụng dưới có cảm giác căng no, đi tiểu nhiều hơn,đau khi quan hệ,bụng dưới có cảm giác to hơn.

- Ung thư đường sinh sản

Đau vùng chậu có thể là triệu chứng của một trong những bệnh ung thư phụ khoa, những cơn đau thường xảy ra hơn khi ung thư đã tiến triển. Mặc dù các triệu chứng chung có thể giống nhau nhưng các loại ung thư đường sinh sản khác nhau sẽ có một số khác biệt chính.

Các bệnh ung thư đường sinh sản ở nữ giới có thể gây đau vùng chậu bao gồm:

+ Ung thư buồng trứng: Ung thư có thể bắt đầu và phát triển trong buồng trứng. Không giống như các bệnh ung thư phụ khoa khác, đau vùng chậu có thể là dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng, cùng với các triệu chứng bao gồm đầy hơi, đau lưng dưới và thay đổi đường tiêu hóa như táo bón.

+ Ung thư nội mạc tử cung: Ung thư nội mạc tử cung là ung thư niêm mạc tử cung có thể gây đau vùng chậu khi ung thư đã tiến triển. Bệnh ung thư này cũng liên quan đến chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như chảy máu sau mãn kinh hoặc chảy máu giữa các kì kinh.

+ Ung thư cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào lót của cổ tử cung (phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo). Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung bao gồm: Chảy máu âm đạo bất thường, bao gồm chảy máu sau khi quan hệ tình dục; dịch tiết âm đạo bất thường; đau vùng xương chậu. Khi khối u di căn có thể gây sưng chân, khó đi tiểu tiện hoặc đại tiện, suy thận, đau xương, máu lẫn trong nước tiểu,...

4. Đau vùng chậu ở nam giới

Nguyên nhân gây đau vùng chậu ở nam giới có thể bao gồm:

- Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là một dạng bệnh lý nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính của tuyến tiền liệt. Đau vùng chậu mãn tính là một triệu chứng điển hình của bệnh. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể gây sưng tấy ở các khu vực xung quanh tuyến tiền liệt, dẫn đến đau vùng chậu và đi tiểu bị đau. Các triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt bao gồm: Khó tiểu, sốt, ớn lạnh, đau đớn hoặc khó xuất tinh.

- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) là tình trạng phát triển của mức của cơ trơn tuyến tiền liệt. BPH phổ biến hơn khi ở người cao tuổi. Các triệu chứng BPH có thể bao gồm: Tiểu yếu, khó làm rỗng bàng quang khi đi tiểu, tiểu gấp, đi tiểu thường xuyên hơn, phải đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm.

- Hẹp niệu đạo

Hẹp niệu đạo là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng niệu đạo bị thu hẹp - ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể do tổn thương niệu đạo (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra.

Các triệu chứng của tình trạng hẹp niệu đạo có thể bao gồm: Đau vùng chậu, máu lẫn trong tinh dịch, nước tiểu lẫn máu hoặc sẫm màu, tiểu gấp, đi tiểu thường xuyên hơn, không có khả năng làm rỗng bàng quang, mất kiểm soát bàng quang, căng chướng bàng quang, sưng dương vật, dòng nước tiểu chậm,...

- Hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh

Thắt ống dẫn tinh là một thủ tục phẫu thuật để ngăn chặn tinh trùng thoát ra khỏi dương vật và được sử dụng như một hình thức ngừa thai vĩnh viễn.

Đôi khi, đau mãn tính xảy ra sau phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, được gọi là hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh. Các triệu chứng có thể bao gồm: Đau dai dẳng ít nhất 3 tháng, đau khi cương cứng, đau khi quan hệ vợ chồng, đau khi xuất tinh, dương vật mềm khi chạm vào.

5. Khi nào đau vùng chậu cần thăm khám bác sĩ?

Nếu bạn bị đau vùng chậu đột ngột và dữ dội, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Viêm ruột thừa và chửa ngoài tử cung là một số trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng có thể phải phẫu thuật ngay lập tức.

Nếu bạn cảm thấy cơn đau vùng chậu không biến mất hoặc ngày càng trầm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nhiều nguyên nhân gây đau vùng chậu có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị.

Nếu bạn đang có kinh nguyệt, điều quan trọng cần lưu ý là chuột rút nhẹ và đau liên quan đến kỳ kinh là bình thường và không cần chăm sóc y tế trừ khi bạn phát triển các cơn đau nghiêm trọng hay còn gọi là đau bụng kinh gây co thắt, sốt,...

Do đau vùng chậu có nhiều nguyên nhân nên việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau là gì. Các tình trạng do nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục nhất định, có thể cần điều trị bằng kháng sinh. Các tình trạng khác, chẳng hạn như ung thư hoặc u xơ tử cung, có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc cả hai. Các tình trạng như viêm ruột thừa và thai ngoài tử cung cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau vùng chậu mãn tính cũng có thể đáp ứng với vật lý trị liệu và các bài tập sàn chậu. Thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (NSAID) như ibuprofen có thể giúp giảm viêm và giảm đau. Miếng chườm ấm cũng có thể có hiệu quả trong việc giảm đau vùng chậu. Tập thể dục hoặc tập yoga cũng có thể làm tăng lưu lượng máu và giúp kiểm soát căng thẳng và căng thẳng có thể góp phần gây ra cơn đau.

Nguồn: Very Well Health
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm