Đau xương chậu ê ẩm khi mang thai

10/12/2015 - 15:43
Đau vùng xương chậu khi mang thai là rắc rối thường gặp của chị em. Dù những cơn đau này không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai nhưng khiến bà bầu gặp khó trong di chuyển, sinh hoạt hằng ngày.
Nhiều thống kê cho thấy, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị đau khung xương chậu ở mức độ khác nhau khi có bầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do trọng lượng bào thai tăng lên, các dây thần kinh bị chèn ép nhưng cũng có thể là biểu hiện của chứng bệnh xương khớp... Cảm giác đau đớn sẽ tăng lên về mức độ vào thời điểm cuối của thai kỳ và những lần mang thai sau, cơn đau sẽ tăng lên.

Hầu hết chị em đều đau xương chậu khi mang thai

Những tác nhân khiến cảm giác đau vùng xương chậu tăng trong thai kỳ gồm: Trước khi mang thai, chị em thường xuyên bị đau vùng thắt lưng; do tổn thương ở vùng xương chậu từ trước, mắc bệnh liên quan đến vùng xương chậu trước khi mang thai; người phải làm công việc tay chân nặng nhọc.
 
Đau xương chậu khi mang thai không phải là cơn đau cấp tính mà âm ỉ, lan từ xương chậu đến đùi, bẹn, tử cung hoặc đau lan xuống vùng thắt lưng. Cảm giác đau đớn sẽ tăng lên khi đi lại, lên xuống cầu thang hay khi trở mình lúc ngủ. Bệnh thường nặng lên vào buổi đêm.

Dưới đây là một số bí quyết hạn chế tình trạng trên:

- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi: Đây là cách đơn giản giúp thư giãn các cơ bắp. Khi nằm nghỉ nên nằm nghiêng bên trái, kê gối cao đầu và dùng gối để kê chân.

- Vận động nhẹ nhàng: Thiền, yoga hoặc vận động dưới nước như bơi lội là những bài tập hữu ích với sức khỏe của bà bầu nói chung và cũng là “thần dược” có tác dụng giảm đau hiệu quả.

- Massage sẽ có tác dụng kích thích máu lưu thông và giảm đau vùng xương chậu theo cách tự nhiên. Vì thế, thai phụ có thể nhờ người thân massage vùng lưng, đùi, chân và xương chậu nhẹ nhàng cùng một số tinh dầu lành tính như tinh dầu oải hương, tinh dầu oliu, tinh dầu dừa.

- Tắm nước ấm: Tắm nước lạnh sẽ khiến các mạnh máu co lại, cơn đau càng trở nên tồi tệ hơn. Vì thế, bà bầu nên tắm nước ấm, bởi nhiệt độ của nước ấm cũng giúp giảm cảm giác đau đớn, khó chịu.

- Hạn chế ngồi lâu: Cố gắng duy trì tư thế ngồi và đứng đúng cách, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu khiến lượng máu lưu thông về vùng xương chậu bị hạn chế, sẽ gây cảm giác đau đớn, khó chịu hơn. Bên cạnh đó, cần tránh mang vác vật nặng, vì điều này không chỉ tác động xấu đến bào thai mà còn “dẫn mối” đau xương chậu, nếu bị đau sẽ nặng hơn.

Ngoài ra, thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc bổ sung canxi cho cơ thể. Bởi trong giai đoạn mang thai, cơ thể người mẹ cần  lượng canxi lớn hơn bình thường để đảm bảo quá trình phát triển toàn diện cho bào thai, đồng thời tránh nguy cơ loãng xương ở thai phụ. Điều này cũng hạn chế nguy cơ đau xương chậu. Tuy nhiên, bà bầu không tự ý bổ sung canxi mà cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đã áp dụng những biện pháp trên hoặc cảm giác đau xương khớp ở vùng xương chậu tăng mạnh, chị em nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm