Dạy con khái niệm thời gian

16/08/2015 - 06:30
Trẻ con không phải “những người lớn nhỏ tuổi”. Vì thế nếu chúng ta dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt của người lớn sẽ rất phí sức mà con sẽ không hiểu, không tiếp thu.
1.Làm mẹ, ai cũng bị rơi vào tình huống này. Mẹ thì vội cuống lên, làm bao nhiêu việc để ra khỏi nhà cho kịp giờ đưa con đến trường, rồi quay lại sở làm. Nhưng con thì không!

Sáng nào nhà tôi cũng diễn ra màn kịch độc thoại tăng dần cấp độ âm thanh mà chính tôi là đạo diễn kiêm luôn diễn viên. Lúc đầu là nhẹ nhàng: “Ăn nhanh con nhé, hôm nay đầu tuần con cần đến trường sớm đấy!”. Tiếp theo, cấp độ đã tăng: “Con có nhanh lên không thì bảo, có rửa cái tay, lau cái mồm mà cũng lề mề!”. Đỉnh cao của màn kịch khi “diễn viên” đã hết sức chịu đựng: “Minh! Ra đây mẹ bảo, con có tin là mẹ sẽ cho con một roi vào mông ngay bây giờ vì cái tội chậm chạp không? Cái quần có mấy ống mà con mặc mất những 10 phút hả?”.

Cứ thế, tôi như một cô gà mái xù lông nhảy loi choi quanh đứa con của mình. Còn Minh vẫn đủng đỉnh như thường với câu nói bất di bất dịch: “Vâng, con xong ngay đây mà mẹ!”. Ai vội thì vội, chứ bọn trẻ con thì không.


                                                                                             Hãy sống chậm lại và bắt đầu từ thế giới mới mẻ của trẻ


2. Buổi sáng ở nhà tôi cứ “sôi nổi” như vậy cho đến một ngày tôi tình cờ xem được chương trình truyền hình về tâm lý trẻ em của Tiến sĩ Tovah Klein (Mỹ). Ông Tovah Klein cho rằng, trẻ em không phải “những người lớn nhỏ tuổi” mà là những cá nhân ngập tràn khao khát và khám phá. Vì thế, muốn một đứa trẻ có ý niệm về thời gian thì thay vì giục giã, các bậc cha mẹ hãy giúp chúng tự khám phá chuyện thời gian sớm muộn, nhanh chậm.

Theo TS Tovah Klein, cha mẹ nào cũng thường xuyên nhắc nhở con “Nhanh lên”, “Sắp muộn rồi con”… mà không hiểu rằng trẻ không hề có khái niệm về thời gian do cấu trúc não chưa có vùng nhận biết về khái niệm này. Vì thế, khi cha mẹ nói: "Chúng ta sẽ rời đi trong 5 phút nữa", các bé chỉ biết rằng mình không phải rời đi ngay bây giờ - đó là lý do tại sao bé cứ tiếp tục đủng đỉnh. Trẻ cần bắt đầu với 5 phút là gì? Nó dài như thế nào? Nên và không nên làm gì với 5 phút?...



                                  Muốn con hiểu về thời gian, cha mẹ cần kiên nhẫn chỉ cho con 5 phút là gì, nó dài như thế nào, con nên làm gì và không nên làm gì nếu có 5 phút...



Cứ thế lặp đi lặp lại với các khái niệm thời gian, cha mẹ sẽ giúp con hiểu khái niệm về thời gian.
Thế nhưng, để hiểu được hoàn toàn như người lớn thì đứa trẻ phải cần một quá trình cho đến hết những năm học tiểu học.

Để trẻ dễ dàng hiểu các khái niệm thời gian, nên so sánh với những điều con thích và nắm chắc như chương trình “Chúc bé ngủ ngon”, một bài hát con yêu hoặc trò ghép hình con đã làm thành thạo. Có nhiều đứa trẻ còn lẩm nhẩm hát trong đầu để học cách chủ động về thời gian.

Có thể kể cho các con nghe về công dụng, tác hại của thời gian. Từ những câu chuyện gần gũi với con như đi học muộn, nộp bài chậm, không được đi chơi vì muộn giờ, đến những chuyện phức tạp hơn của những người làm chủ thời gian, những người lề mề, những người đánh mất cơ hội vì không biết sử dụng thời gian. Nó sẽ ngấm vào con tầm quan trọng của thời gian, sự đúng giờ.

Xem xong chương trình, sáng hôm sau, tôi ngay lập tức áp dụng với con của mình. Có vẻ như rất hiệu quả khi bé đếm từ 1 đến 10 để mặc xong quần. Dần dần, bé Minh nhà tôi đã biết căn thời gian để làm những việc cá nhân của mình rất chuẩn. Buổi sáng ở nhà tôi giờ đây không còn “màn kịch ầm ĩ” nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm