pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy lùi nạn mua bán bào thai ở vùng biên xứ Nghệ - Bài cuối: Dùng "đòn bẩy" kinh tế để đẩy lui tệ nạn
Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm Mùa Y Xài (bìa trái) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các chị Lư Thị Chờ và Cụt Thị Bảo (bìa phải)
Tổ công tác đặc biệt
Con đường từ trung tâm xã Hữu Kiệm vào bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ không quá xa nhưng nhiều đoạn cua gấp, dốc đứng. Những đoạn đường ấy đã trở nên quá đỗi quen thuộc với chị Mùa Y Xài, Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm và các thành viên trong "Tổ canh bào thai".
Chị Xài cho biết, sau khi Hữu Kiệm được xác định là "điểm nóng" của tình trạng mua bán bào thai, năm 2022, chính quyền xã đã lên kế hoạch để ngăn chặn và thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, vận động và tuyên truyền với tên gọi "Tổ phòng, chống buôn bán người", thường được gọi là "Tổ canh bào thai".
Thành viên của tổ gồm lãnh đạo UBND, Công an, Ban công tác Mặt trận, Hội LHPN xã và các trưởng bản. Nhiệm vụ của tổ là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống buôn bán người và di cư trái phép. Ngoài ra, tổ còn có nhiệm vụ là "giám sát" những phụ nữ mang thai, vận động gia đình họ ký "cam kết không bán bào thai".
"Những ngày đầu thành lập, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn khi hầu hết thai phụ và gia đình họ không hợp tác. Thấy chúng tôi đến nhà, họ lập tức tránh mặt. Trưởng bản là tuyến đầu, làm nhiệm vụ tiền trạm, nắm thông tin người mang thai để báo cáo Ban chỉ đạo xã lập danh sách giám sát còn bị thù ghét. Các thành viên trong tổ phải mất rất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, kiên trì thuyết phục. Sau cùng, người dân hiểu được mục đích tốt đẹp của tổ công tác, từ đó họ vui vẻ chia sẻ", chị Xài kể lại.
Chị Lô Thị Là, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm, một trong những thành viên tích cực trong "Tổ canh bào thai", cho biết: Kể từ khi được thành lập, mỗi tuần một lần, các cán bộ trong tổ công tác đều tranh thủ đến tận nhà của những người phụ nữ đang mang thai để trò chuyện, thăm hỏi.
Qua những buổi trò chuyện, các cán bộ sẽ nắm được tình hình sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng và mục đích lớn nhất là để họ không bị các đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc và đi vào con đường bán thai nhi như hàng chục phụ nữ người Khơ Mú ở đây vào những năm 2017-2018. Chẳng cần phải sổ sách, chị Là có thể đọc vanh vách danh sách những người đang mang thai, số tháng thai kỳ, ngày dự sinh…
"Các đối tượng buôn người thường đánh vào tâm lý, kinh tế gia đình của các phụ nữ mang thai. Khi tiếp cận, chúng thường bảo rằng bán con sẽ có một khoản tiền lớn để trang trải và có tiền nuôi những đứa con còn lại. Bán con này lại sinh con khác... Với nhận thức còn nhiều hạn chế, hiểu biết pháp luật ít ỏi, trước đây, nhiều cặp vợ chồng đã đồng ý đi bán con", chị Là chia sẻ.
Giải pháp căn cơ
Dẫn chúng tôi đến thăm chị Cụt Thị Bảo (SN 1996) và Lư Thị Chờ (SN 1997) ở bản Đỉnh Sơn 1, Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm Mùa Y Xài không giấu được niềm vui khi thấy cả 2 cháu bé 6 tháng tuổi (con của chị Bảo và chị Chờ) đang lớn lên mỗi ngày, bụ bẫm và khỏe mạnh.
Ở thời kỳ mang thai, chị Bảo và chị Chờ dù không phải ký cam kết nhưng luôn được cán bộ trong tổ công tác quan tâm, hỗ trợ. Theo chị Xài, việc người Khơ Mú sinh nhiều con là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo cả vật chất lẫn nghèo cái chữ.
Điều này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc mua bán bào thai. Với vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, cán bộ Hội ở cơ sở luôn tuyên truyền để người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giúp họ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, nói rằng, việc ngăn chặn được tình trạng bán bào thai như mấy năm qua là nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Công an và cán bộ Hội phụ nữ.
Tuy nhiên, một trong những điều có ý nghĩa quyết định là đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. "Xã xác định kinh tế vẫn là "đòn bẩy". Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục thì hỗ trợ người dân phát triển kinh tế phải là trọng tâm. Bởi chỉ khi cái nghèo bị đẩy lùi, nhận thức của người dân nâng cao, họ sẽ không còn vi phạm pháp luật", ông Bắc nói.
Theo ông Bắc, chỉ tính riêng 3 bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ vào thời điểm năm 2017 thu nhập trên đầu người chỉ đạt 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người các bản này đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 30 triệu đồng/năm.
Xã Hữu Kiệm rất ít đất sản xuất nhưng với sự hướng nghiệp đúng đắn, những năm qua, người dân đã đi lao động tại các nhà máy, xí nghiệp. Điều đó mang lại thu nhập cho mỗi gia đình và làm thay đổi bộ mặt của bản.
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy xã Hữu Kiệm giao cho từng đảng viên, từng Chi bộ có nhiệm vụ hỗ trợ các hộ nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, xã Hữu Kiệm đã có một bộ mặt rất khác.