pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dây thìa canh có tác dụng gì? Sử dụng dây thìa canh như thế nào?
Dây thìa canh có tên khoa học là Gymnema sylvestre. Loại thảo dược này chứa các hoạt chất như gymnemic acid, gurmarin, acid anthraquinone, flavonoid, và saponin. Những thành phần này đã được nghiên cứu về khả năng làm giảm đường huyết và giảm cảm giác thèm ngọt.
Cách nhận biết dây thìa canh
Dây thìa canh là cây thân cây leo, mọc dài và có thể mọc xum xuê trên các bề mặt khác nhau. Lá cây hình bầu dục hoặc hình trái tim, có màu xanh đậm với các đường gân nổi bật.
Hoa của dây thìa canh thường nhỏ và có thể có màu vàng hoặc xanh nhạt. Quả của dây thìa canh hình dạng giống quả lê nhỏ, khi chín chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
1. Dây thìa canh có tác dụng gì?
Dưới đây là những tác dụng của dây thìa canh đối với sức khoẻ đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra:
- Tốt cho người bị bệnh tiểu đường
Dây thìa canh nổi tiếng là loại thảo dược có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng cách giúp điều chỉnh mức đường huyết và thúc đẩy sản xuất insulin một cách có lợi.
+ Dây thìa canh giúp giảm mức đường huyết bằng cách ức chế hấp thụ đường trong ruột, dẫn đến việc giảm glucose trong máu, đặc biệt sau các bữa ăn.
+ Dây thìa canh có thể kích thích sản xuất insulin trong tuyến tụy của bạn, thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào đảo sản xuất insulin. Điều này có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
- Giảm cảm giác thèm đường
Bạn đang gặp khó khăn trong việc chống lại cơn thèm đường? Dây thìa canh có thể giúp bạn kiềm chế những cơn thèm này. Dây thìa canh có chứa acid gymnemic nên có thể ngăn chặn các thụ thể đường trên vị giác, giảm khả năng cảm nhận vị ngọt và qua đó làm giảm thèm đường.
Ngoài ra, dây thìa canh có tác dụng giảm tốc độ hấp thụ đường và chất béo vào cơ thể. Điều này có thể giúp điều trị bệnh béo phì, tiểu đường và cholesterol cao.
- Cải thiện mức cholesterol
Việc duy trì mức cholesterol và triglyceride một cách cân bằng là rất quan trọng cho sức khỏe tim mạch, và dây thìa canh có thể hỗ trợ thực hiện điều này.
Dây thìa canh có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất béo và mức độ lipid, có khả năng làm giảm mức cholesterol LDL xấu và mức triglyceride, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Hỗ trợ giảm cân
Bạn đang trong quá trình giảm cân hoặc muốn kiểm soát cân nặng ở mức cân bằng, bạn nên bổ sung thêm dây thìa canh vào chế độ ăn uống.
Bằng cách ngăn chặn các thụ thể ngọt trên vị giác của bạn, dây thìa canh có thể khiến bạn ăn ít đồ ngọt hơn và tiêu thụ ít calo hơn, từ đó giúp giảm cân.
- Giúp giảm viêm
Viêm mãn tính ở mức độ thấp có thể góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như tiểu đường, viêm khớp, tim mạch, ... Dây thìa canh có thể giúp giảm viêm bằng cách:
+ Giảm sự hấp thụ đường trong ruột nên có thể giảm viêm do ăn quá nhiều đường.
+ Có chứa hàm lượng tannin và saponin - đây là những hợp chất thực vật có lợi và có tác dụng giảm viêm.
+ Kích thích miễn dịch từ đó giúp giảm viêm
- Hạ huyết áp
Dây thìa canh có thể có giúp hạ huyết áp cao, mặc dù cơ chế đằng sau tác dụng này vẫn chưa rõ ràng. Điều này có thể là do các hợp chất trong dây thìa canh làm tăng sản xuất oxit nitric, một chất làm giãn mạch. Oxit nitric giúp thư giãn các cơ bên trong mạch máu, khiến chúng giãn ra, từ đó giúp cải thiện lưu lượng máu và có thể làm giảm huyết áp.
2. Cách sử dụng dây thìa canh
Để tận dụng hết các lợi ích của dây thìa canh, điều quan trọng là phải hiểu rõ về liều lượng và cách sử dụng của loại thảo dược này.
- Cách sử dụng
Dây thìa canh được sử dụng dưới nhiều hình thức, bao gồm:
+ Dưới dạng trà: Lá dây thìa canh có thể được phơi khô và sử dụng để pha trà.
+ Dưới dạng bột: Lá khô có thể được nghiền thành bột và sử dụng để trộn vào thức ăn hoặc nước uống.
+ Dưới dạng tươi: Lá tươi có thể được nhai trực tiếp để có được lợi ích từ các hoạt chất tự nhiên.
- Liều lượng sử dụng
Liều lượng khuyến nghị sử dụng dây thìa canh tùy thuộc vào hình thức bạn tiêu thụ nó, cụ thể:
+ Trà: Đun sôi lá trong 5 phút, sau đó ngâm trong 10–15 phút trước khi uống.
+ Bột: Bắt đầu với liều 2 gam, tăng dần lên 4 gam nếu không xảy ra tác dụng phụ.
+ Nếu bạn đang muốn sử dụng dây thìa canh như một cách để ngăn chặn các thụ thể đường trên lưỡi, hãy bổ sung nước 5–10 phút trước bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ nhiều đường.
Dây thìa canh cũng được làm thành các viên nén dưới dạng thực phẩm chức năng, trong trường hợp này mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về tác dụng và liều lượng, không tự ý sử dụng.
3. Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng dây thìa canh
Mặc dù dây thìa canh nói chung là an toàn, nhưng loại thảo dược này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ mà bạn cần lưu ý.
- Tác dụng phụ thông thường
Một số người có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ như khó chịu tiêu hóa hoặc phản ứng dị ứng. Ngoài ra, dây thìa canh có thể gây hạ đường huyết với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, run rẩy, buồn nôn.
- Chống chỉ định
Khi sử dụng dây thìa canh mọi người cũng nên lưu ý một số điều khác như:
+ Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, hoặc những người đang có kế hoạch mang thai không nên sử dụng loại thảo dược này.
+ Không nên kết hợp dây thìa canh với thuốc hạ đường huyết, bao gồm cả tiêm insulin và aspirin vì có thể gây hạ đường huyết quá mức.
+ Trước khi phẫu thuật nên ngưng sử dụng dây thìa canh trước đó 2 tuần.
+ Những người bị dị ứng với hoa bông tai cũng không nên sử dụng loại thảo dược này.
Nhìn chung, dây thìa canh có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng không nên sử dụng nó để thay cho bất kì phương pháp điều trị bệnh nào đang được chỉ định. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này để an toàn hơn cho sức khoẻ.