Dạy trẻ tình yêu thương: Không cần gì to tát

05/10/2017 - 11:27
Clip HS trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cúi chào bác bảo vệ già được lan tỏa nhanh và rộng rãi khắp cộng đồng mạng giữa bức tranh xám của giáo dục (GD) từ đầu năm đến nay, hành vi nhỏ này như một điểm sáng ấm áp tình người.

Giáo dục đạo đức: Bắt đầu từ những hành vi nhỏ

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội, khi được nghe câu chuyện về tình cảm của HS dành cho bác bảo vệ già thông qua hành vi cúi chào, đã thật sự cảm kích.

Nhiều năm hoạt động với tư cách là một đại biểu Quốc Hội, gần gũi người dân và cộng đồng, bà Bùi Thị An rất quý trọng hành vi nhỏ này và cho rằng đây là tấm gương sáng trong bài học về GD đạo đức học sinh.

“Mọi người đều thấy rằng, con người muốn phát triển, muốn cống hiến cho xã hội, ngoài việc có kiến thức ra còn là vấn đề phẩm cách. Những phẩm cách ấy cần được bồi đắp từ bé, và càng được bồi đắp một cách tự nhiên nhất như chính lứa tuổi của các cháu thì các giá trị tốt đẹp càng ngấm sâu”- bà Bùi Thị An chia sẻ.

Theo bà An, hình ảnh học sinh cúi chào bác bảo vệ có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi chính bài học về giáo dục tình yêu, sự quý trọng con người và giá trị lao động chính là giáo cụ trực quan sống tác động đến tâm hồn con trẻ.

“Các cháu cảm nhận được tình cảm của bác vì ở bác có sự gần gũi hàng ngày, luôn hướng dẫn tận tình HS trong vai trò là một bảo vệ tận tụy. Vì vậy, hành vi chào bác thể hiện sự lễ phép ấy theo tôi là rất tự nhiên, ngây thơ và đáng trân trọng. Đây là bài học trong GD đạo đức cho trẻ, hãy GD trẻ bắt đầu từ những hành vi nhỏ như vậy!”- bà An nói.

Hình ảnh gây chú ý của học sinh khi cúi chào bác bảo vệ. Ảnh cắt từ clip

Cũng từ bài học giản dị này, PGS.TS Bùi Thị An mong muốn GD trong nhà trường, đặc biệt là chương trình Giáo dục phổ thông mới cần tăng giờ học đạo đức cũng như cách tiếp cận bài học, tránh hình thức và lý thuyết như chương trình GD hiện hành.

“Vừa tăng giờ học, đồng thời đa dạng hóa hình thức GD đạo đức trong học sinh. Rất đơn giản như cho các cháu cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện với các tấm gương lao động như cô công nhân, bác nông dân, chú thợ xây… Những gương mặt cụ thể trong cuộc sống chính là GD trực quan sống động nhất để các cháu cảm nhận những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. GD đạo đức cũng chính là GD tình yêu lao động”- bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Về phía nhà trường, bà An cho rằng, chính các thầy cô giáo cũng xem đây là bài học cho chính mình. Theo bà, GD dù kỷ cương, nghiêm khắc đến đâu, nhưng nếu không xuất phát từ tình yêu thương học trò thật sự thì khó chiếm được tâm hồn của trẻ.

Giáo viên hãy lấy tình yêu học sinh làm gốc rễ, để vừa nhận lại chính tình cảm ấy từ học trò của mình, vừa hướng các em đến sự chia sẻ tình yêu sang những người xung quanh, như bác bảo vệ già trong câu chuyện nói trên.

Giản dị, nhưng không nên máy móc

Bên cạnh sự chia sẻ đầy cảm kích, câu chuyện chào bác bảo vệ già của HS trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng có một số băn khoăn từ chính phụ huynh. Nhiều phụ huynh khi đưa con đến trường đã nán lại nhìn theo con và tỏ ra ái ngại khi nhìn thấy hành động cúi chào đáp trả của bác bảo vệ già. Chị băn khoăn không biết bác cúi chào hàng trăm lần như vậy, hẳn là sẽ... mỏi cổ lắm.

Còn anh Trần Quang Đại, một phụ huynh đến từ thành phố Hà Tĩnh cho rằng, cả ngàn học sinh cúi chào một bảo vệ nhìn có vẻ khá… mất thời gian, trong khi bác bảo vệ mà cúi chào lại chừng ấy học sinh thì cũng thật khổ cho bác.

“Các em cúi chào ông bảo vệ, vậy có cúi chào các nhân viên khác như nhân viên y tế, lao công hay những người lớn tuổi gặp ngoài đường. Theo tôi thể hiện sự lễ phép là tốt, nhưng cũng không nên quá câu nệ hình thức, tiểu tiết mà cần chú trọng những vấn đề GD mang tính bản chất, thực tâm hơn”- anh Đại nêu quan điểm.

Nam phụ huynh cũng cho rằng, GD đạo đức cho trẻ đôi khi không nên quá máy móc, không nên ép trẻ con những điều mà người lớn không làm (có thể học sinh chào bác bảo vệ, nhưng chắc gì thầy cô giáo đã chào bác).

“Thương yêu, hãy để các em tự do, tự nhiên, như cây cối vươn ra ánh sáng. Nếu muốn các em kính trọng, thì hãy tự mình làm sao cho đáng kính, đừng ép uổng. Khó có thể bắt buộc con trẻ yêu mình được. Hãy dạy các em giản dị, tự nhiên, thoải mái, chân thành- điều đó mới bền lâu. Theo tôi, thay bằng cúi chào, hãy đề nghị các em tươi cười với bác bảo vệ. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà!”- anh Đại chia sẻ.


Chia sẻ với báo chí và phụ huynh, bác Nguyễn Văn Lũy- người bảo vệ già của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) thật thà cho biết, học sinh chào bác cả lúc đi học và lúc ra về. Khi được hỏi bác có thấy… mỏi cổ không thì bác trả lời vui rằng bác không mỏi, thấy học trò ngoan nên bác rất thương, và bác chào lại để thay lời cảm ơn học trò đã tôn trọng mình.


clip học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong cúi chào bác bảo vệ Nguyễn Văn Lũy:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm