ĐBQH: Có làn sóng các trường đại học đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí

PV
01/06/2023 - 13:21
ĐBQH: Có làn sóng các trường đại học đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Tiếp tục thảo luận về thực hiện kinh tế xã hội sáng 1/6, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, theo quy định, các trường được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí và trên thực tế, có nhiều trường đã tăng học phí lên rất cao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.

Với vấn đề tự chủ đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cho biết: Bên cạnh những quy định bó buộc với các trường đại học, thì cũng có "những quy định 'đường mòn, lối mở' làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách".

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho hay, hiện nay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao.

Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu đồng lên 60 triệu đồng, gọi là chất lượng cao nhưng có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.

ĐBQH: Có làn sóng các trường đại học đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, phát biểu thảo luận

Trước đó, thảo luận về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính. Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

Theo đại biểu, chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc song song với quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó.

Đại biểu Quỳnh Thơ nêu quan điểm: Đối với các trường đại học công lập địa phương cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này.

Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua; có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính lý luận, mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp. Để thực hiện được điều này cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm