Tầm 1 tuổi rưỡi trở đi, trẻ có nhu cầu chơi cùng bạn nhiều hơn. Nhưng mỗi trẻ một tính cách, trẻ có tính tình xã giao sẽ hòa đồng ngay với các bạn, có trẻ tính hướng nội thì nhu cầu kết bạn sẽ xảy ra muộn hơn tầm 2-3 tuổi.
Quá trình chơi cùng bạn là một trải nghiệm vô cùng quý báu trong cuộc đời trẻ, giúp trẻ vun đắp năng lực giao tiếp, khả năng kết nối với mọi người xung quanh. Trong quá trình trẻ chơi cùng bạn cha mẹ có thể sẽ gặp phải những trường hợp như con giằng đồ chơi, con ích kỉ không cho các bạn chơi cùng. Vậy làm thế nào để giúp con biết chia sẻ đồ chơi cùng bạn?
Dưới đây là hai trường hợp điển hình mà cha mẹ hay gặp phải.
Khi con bị giằng đồ chơi
Ở chỗ chơi tập thể, con bạn đang chơi đồ chơi thì có một bạn khác chạy tới lấy đồ chơi của con mà không nói gì, có khi là giằng lấy trên tay con nếu bạn ấy lớn hơn con 1-2 tuổi. Trong trường hợp này các mẹ xử lý thế nào?
Có thể, mẹ sẽ tươi cười nói với bạn ấy rằng bạn A chơi mãi rồi nên cho con mượn đấy, rồi xoa đầu con mình thuyết phục con cho bạn mượn. Con bạn sẽ ngơ ngác nhìn theo món đồ chơi đã bị bạn khác đem đi xa, rồi òa lên khóc đòi lại. Bé khóc là đúng thôi vì thực tế cách làm này không tốt cho bé, sẽ khiến bé chịu ấm ức.
Thực tế thì mẹ không thể giằng lại đồ chơi từ trên tay bạn kia. Nếu con vẫn ở tầm 1-2 tuổi bé sẽ chưa dám chạy đến chố cậu bé kia để giằng lại đồ chơi. Lúc này bạn có thể nói với con rằng bạn rất thích đồ chơi của con, con cho bạn mượn chơi một lát nhé. Rồi quay ra nói với cậu bé kia rằng A cho cháu mượn đấy. Dùng xong nhớ trả lại nhé!. Câu nói 'dùng xong nhớ trả lại nhé' rất quan trọng, vì nó làm con bạn an tâm rằng món đồ của mình chỉ tạm thời xa mình mà thôi. Hơn nữa cách làm này còn giúp nuôi dưỡng cho bé tinh thần chia sẻ đồ chơi cùng các bạn.
Câu nói 'dùng xong nhớ trả lại nhé' rất quan trọng. Ảnh: Nguyễn Thị Thu |
Khi con nhất quyết không cho các bạn chơi cùng
Tình huống thứ 2 là bé nhất định không cho các bạn khác chơi cùng đồ chơi với mình dù là đồ chơi chung. Phải làm thế nào? Chẳng lẽ bạn cứ phải đi xin lỗi cha mẹ của những bạn khác và thấy xấu hổ với hành vi của con mình? Các chuyên gia tâm lí Nhật đã khuyên rằng, thường thì giai đoạn bé trở nên ích kỉ và ương bướng không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn khác là tầm 3 tuổi. Nhưng đây vẫn là tầm tuổi trẻ chưa thể cảm nhận được suy nghĩ của người khác, tức là chưa thể để ý xem cảm xúc hay suy nghĩ của người khác ra sao. Việc chia sẻ với mọi người nên bắt đầu từ tầm 4-5 tuổi trở đi.
Nếu con bạn không cho các bạn chơi cùng hoặc thấy các bạn chơi thì gào lên đòi giằng lại bằng được, lúc ấy bạn hãy ôm bé thật chặt trong vòng vài giây, sau đó nhẹ nhàng nói cho bé biết tâm trạng của các bạn rằng bạn đều muốn chơi con ạ. Các bạn sẽ buồn đấy. Hoặc khi con bạn đánh ai đó thì hãy nói 'Bạn rất đau đấy!'
Cha mẹ không nên đòi hỏi trẻ phải biết chia sẻ chỉ sau một vài lần hướng dẫn và đề nghị con. Đây là một quá trình cần sự kiên nhẫn và thời gian để con hiểu cần phải biết chia sẻ - Ảnh: Nguyễn Thị Thu |
Thông qua việc nói cho trẻ những câu diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của đối phương, dần dần trẻ sẽ hiểu được cảm xúc của người khác ra sao, hành vi của mình đã khiến người khác cảm thấy thế nào. Cha mẹ không nên đòi hỏi trẻ phải biết chia sẻ ngay chỉ sau 1-2 lần, mà nó cần kiên nhẫn và cần thời gian để trẻ nhận thức dần dần.
Ngoài ra, khi đọc truyện hay xem tivi cùng con cha mẹ có thể nói cho con nghe những câu đồng cảm với nhân vật như 'ôi bạn ấy thật đáng thương, thật tội nghiệp, chắc bạn ấy đau lắm con nhỉ...' để trẻ học cách biểu đạt cảm xúc, học được cách cảm nhận đối phương có tâm trạng ra sao.
Việc cha mẹ nên làm khi con có hành động ích kỉ
Cha mẹ chớ nên chỉ nhìn đến kết quả hành vi của trẻ gây ra (đánh bạn, ích kỉ...) để đánh giá và phán đoán. Chúng ta nên nhìn vào mặt sau của hành động ấy, tức là nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại làm như thế? Nhất là giai đoạn trước 3 tuổi cảm xúc của trẻ còn đang hình thành, trẻ rất nhạy cảm với xung quanh. Có khi chỉ vì có cái gì khác với trật tự của trẻ là trẻ cũng gào lên không thích, hoặc là do bạn nào đó đã làm gì khiến trẻ khó chịu.
Cha mẹ nên nhẹ nhàng hỏi và tìm hiểu để cho trẻ thấy rằng cha mẹ luôn là đồng minh tin cậy, là chỗ dựa an toàn cho mình, mình luôn là cô bé, cậu bé đáng yêu của cha mẹ. Một nguyên tắc mà cha mẹ cần ghi nhớ đó là 'Trước khi dạy trẻ biết chia sẻ và đồng cảm với người khác, bé cần được cha mẹ tiếp nhận bản thân mình trước đã'. Nghĩa là cha mẹ cần có hành động tiếp nhận để bé hiểu mình luôn luôn được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu, cha mẹ là người mình tin tưởng nhất. Khi đã có được sự tin tưởng của con trẻ, thì việc dạy dỗ, khuyên bảo hay uốn nắn mới trở nên dễ dàng.
Tuyệt đối không nên chửi mắng trẻ, nhất là ở trước mặt người khác, vì nó sẽ khiến trẻ bị tổn thương, trẻ sẽ cho rằng cha mẹ không còn cần mình nữa, dần dần trẻ sẽ trở nên mất tự tin vào bản thân, bất cần, dẫn tới những hành động ngỗ nghịch phản kháng hơn khi lớn lên.
Trước khi dạy trẻ đồng cảm với người khác, cha mẹ cần cho trẻ thấy con đang được cha mẹ tiếp nhận và yêu thương, tin tưởng. Như vậy việc uốn nắn, và giáo dục trẻ mới thuận lợi - Ảnh: Nguyễn Thị Thu |
Cha mẹ nên là người làm gương để trẻ học tập theo vì cha mẹ chính là người thân gần gũi nhất. Những hành động chia sẻ đồng cảm lẫn nhau của cha mẹ như chào nhau trước khi đi làm, vui mừng khi đi làm về, hay cha khen ngợi món ăn mẹ nấu, mẹ khen việc cha giúp mẹ tắm cho con... sẽ có tác dụng to lớn với con, giúp con biết chia sẻ với mọi người.