Nghĩ quát nạt và bắt ép con không phải phương án hay và có thể khiến con tủi thân khi cảm giác bị “cho ra rìa” nên chị nghĩ cách để con hiểu chuyện dần dần. Thời gian đầu chị vẫn chấp nhận để cho con ngủ cùng. Nhưng đến khi em nhỏ cai sữa, một hôm chị Thiêm cho em nhỏ ngủ với bà và vẫn để con lớn ngủ với bố mẹ và nói với con: “Em nhỏ nay đã lớn giỏi không ngủ cùng bố mẹ nữa mà lên ngủ với bà”.
Sau lần ấy, chị Thêm thấy con trai 5 tuổi đồng ý với việc ngủ với bà hay với mẹ đều được và còn nói với mẹ rằng con lớn hơn nên nhường em ngủ với mẹ.
Tuy vậy, khi em sau lớn, chị Thiêm vẫn quyết định cho 2 con ngủ cùng ngủ với bà và lớn hơn chút sẽ cho các con ngủ riêng. “Tôi cho các con ngủ riêng để con học được thói quen tự lập từ bé. Tuy nhiên hằng ngày tôi vẫn không quên và luôn thì thầm với hai con rằng dù không ngủ cùng nhưng mẹ vẫn rất yêu các con”, chị Thiêm nói.
Vợ chồng chị Thiêm không chỉ cố gắng tạo sự công bằng trong cách đối xử với các con mà còn tạo một sự công bằng trong mối quan hệ bố mẹ và con cái khi cho con làm quen với những thỏa thuận. Và trong những thỏa thuận đó, anh chị tôn trọng con như người lớn chứ không hề coi con chỉ là một đứa trẻ. Và nếu con làm đúng thì sẽ được thưởng, nếu không thì đương nhiên con sẽ bị phạt.
“Nhiều đứa trẻ hay mè nheo, muốn một cái gì là đòi cho bằng được không được thì khóc mãi không nín, nhưng bé nhà tôi thì quen với việc thỏa thuận rất người lớn nên không bao giờ như thế”, chị Thiêm chia sẻ.
Chị Thiêm quy định mỗi ngày cho các con xem video trên điện thoại 1 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ, thỏa thuận là chỉ được xem hoạt hình thuyết minh tiếng Anh. Nếu không thực hiện như thỏa thuận đó thì sẽ bị bố mẹ tịch thu và không được mượn để xem hoạt hình nữa. “Có lần anh lớn xem xong thì tự bật trò chơi không có tiếng để xem, em phát hiện được mách mẹ. Thế là như cam kết, anh lớn bị phạt 2 ngày sau không được xem nữa”, chị Thiêm kể.
Với nguyên tắc tôn trọng các con, thỏa thuận đi cùng các hình phạt và thưởng phù hợp với lứa tuổi, giờ đây 2 con của chị không những không ngủ cùng bố mẹ mà gần như không bao giờ mè nheo, nghe lời bố mẹ.