pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để phụ nữ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong nền kinh tế số
Ảnh minh hoạ: MPI
Cần lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, muốn tập trung phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và có nhiều đóng góp cho GDP, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý.
Ở nhiều nước, trí tuệ nhân tạo (AI) đã khá quen thuộc, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Còn ở nước ta hiện chưa có quy định để quản lý, phát triển ứng dụng AI. Vì vậy, cần sớm trình Quốc hội xem xét thông qua những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này.
Khi nói đến phát triển khoa học, công nghệ, yếu tố con người rất quan trọng. Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực mới cần đào tạo lại nguồn nhân lực sẵn có.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ, tại Việt Nam, mới có khoảng 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thực hiện một hoặc nhiều hình thức chuyển đổi số.
Điểm thú vị là có gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang tham gia thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ còn vướng nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về thông tin, tiếp cận tài chính và tín dụng, tiếp cận công nghệ…
Theo bà Hương, để đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cần thực hiện lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực và kiến thức; tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, tiếp cận các xu hướng chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh)…
Đảm bảo "quyền số" của phụ nữ và trẻ em
Theo bà Vũ Thu Hồng, cán bộ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, lao động nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính của một xã hội hiện đại.
Lực lượng lao động nữ tại Việt Nam tuy đông nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là trong nền kinh tế số.
Ngoài ra, còn tồn tại sự phân biệt nghề nghiệp và khoảng cách giới trong giáo dục ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Bà Vũ Thu Hồng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục, với phụ nữ trong lao động và việc làm; xoá bỏ bạo lực giới trên không gian mạng.
Cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến về lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp, đảm bảo "quyền số" của phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt, cần nhanh chóng thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu về sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong nền kinh tế số để xác định các thuận lợi, nguy cơ, thách thức, rủi ro và cơ hội.
Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2022 về sự sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, có 90% doanh nghiệp mong muốn được đào tạo, tập huấn, được tham gia chương trình chuyển đổi số.