Đề xuất chủ tịch xã quyết định "cấm tiếp xúc" đối với người gây bạo lực gia đình

PV
08/09/2022 - 13:15
Đề xuất chủ tịch xã quyết định "cấm tiếp xúc" đối với người gây bạo lực gia đình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, thảo luận tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định Chủ tịch UBND cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có "yêu cầu cấm tiếp xúc" và sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình.

Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 8/9, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Nêu một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án (Điều 25 và Điều 26), hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau, trong đó có nhóm ý kiến cho rằng, các biện pháp cấm tiếp xúc không khả thi; có ý kiến đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có "yêu cầu cấm tiếp xúc" và sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an. 

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình. Do vậy dự thảo Luật cần cân nhắc, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tăng sự chủ động, kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Còn đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho biết: Điều 11 về trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu chỉ ra rằng, bên cạnh việc giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực... thì cần bổ sung các quy định về trách nhiệm báo tin về vụ việc bạo lực gia đình, giám sát các biện pháp nhằm bảo vệ thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ tán thành khi dự Luật bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Theo đại biểu việc quy định như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời chấm dứt, khắc phục các vụ việc về bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 06 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Trong đó, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả".

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm