Đề xuất đưa quyền tình dục vào Luật Dân số

28/11/2017 - 10:52
Tại Hội thảo Tham vấn về dự thảo Luật Dân số, do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 27/11, GS.TS Hoàng Bá Thịnh đề xuất đưa nội dung quyền tình dục vào dự thảo Luật Dân số vì đây là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân và gia đình.
Liên quan đến việc ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính khi sinh, bà Hà Thị Quỳnh Anh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh cần luật hóa trong việc cấm lựa chọn giới tính thì cần đảm bảo chính sách cho người có tuổi. Bởi nhiều người vẫn quan niệm, con gái là con người ta, con trai thì về già mới được nhờ cậy và thờ cúng tổ tiên.

Do đó, cần thay đổi tâm lý trẻ cậy cha, già cậy con bằng già cậy xã hội. Chính sách an sinh xã hội phải tốt, người già không cần lo cho cuộc sống thì mới bỏ được tâm lý sinh bằng được con trai. Hiện 63% người dân ở nông thôn, tương đương với tỷ lệ đó người cao tuổi ở khu vực này không được hưởng lợi từ nhiều chính sách an sinh xã hội.

“Vì thế, dự thảo Luật Dân số, cần xem xét và bổ sung cụ thể vấn đề an sinh cho người cao tuổi; cũng như quy định về tăng cường tuyên truyền để xã hội quen dần với việc con gái cũng được thờ cúng cha mẹ như con trai”, bà Quỳnh Anh cho biết.

gioi_tinh.jpg
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang diễn ra nghiêm trọng


Về số con của các cặp vợ chồng
, dự thảo Luật Dân số có quy định, “khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”. GS.TS Hoàng Bá Thịnh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, cần bổ sung là “khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân nên có 2 con”. Bởi hiện nay, nhiều phụ nữ không muốn kết hôn nhưng vẫn muốn sinh con và xu hướng này đang gia tăng trong xã hội hiện đại.

Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về giới và gia đình, ông Thịnh cho rằng, nên đưa vấn đề Quyền tình dục vào dự thảo. Bởi vấn đề này chưa được đề cập, trong khi đó, nó có ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân, sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
 
Cũng liên quan đến vấn đề giới, dự thảo luật quy định, cần ban hành chính sách nhằm loại bỏ mọi hình thức phân biệt về giới. Cụ thể, Mục 3, Điều 5 của dự thảo luật quy định về ban hành chính sách và các biện pháp nhằm loại trừ mọi hình thức phân biệt, đối xử về giới, ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên…

img_1637.JPG
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo


Dự thảo quy định này được đa số đại biểu tham dự hội thảo thảo luận và đồng tình. Các đại biểu còn khẳng định, cần sớm ban hành Luật Dân số, bởi Pháp lệnh Dân số, sau 14 năm thực hiện, có nhiều điểm không còn phù hợp. Tuy nhiên, để Luật Dân số thực sự phát huy tác dụng, việc xây dựng luật phải căn cứ vào thực tiễn của công tác dân số cũng như các vấn đề liên quan đến dân số trong tương lai.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 13 cho rằng, nhiều vấn đề quy định tại Pháp lệnh Dân số thiếu tính pháp lý nên phải luật hóa và cần sớm ban hành luật về Dân số.
Góp ý vào dự thảo luật, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho rằng, việc dự thảo luật đưa vấn đề tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; quy định đối tượng tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh; trách nhiệm tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các cặp đôi, người muốn có con, có thể biết được bệnh mà mình mắc, để mang thai an toàn, ngừa bệnh di truyền cho thế hệ sau.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng tình với nhiều vấn đề mà dự thảo luật đề cập. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, Dự thảo cũng cần bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý. Hội sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu cũng như tiếp tục nghiên cứu bổ sung để có những góp ý cho dự thảo, thể hiện quan điểm của Hội LHPN Việt Nam về những quy định liên quan đến công tác dân số.

Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương, 69 điều, quy định về quy mô, cơ cấu dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số; lồng ghép biến dân số và các biện pháp thực hiện công tác dân số. Dự kiến trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 5 năm 2018.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm