pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất người chưa thành niên phạm tội có thể được quản thúc tại nhà
Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Dự án luật này được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình, Luật Tư pháp người chưa thành niên là 1 trong số 15 luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.
Xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên, trừ tội giết người, hiếp dâm, ma tuý
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Một trong những nội dung quan trọng của dự án luật này là quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Xử lý chuyển hướng được hiểu là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội. Đây là chính sách thể hiện sự nhân văn của Nhà nước trong xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Có 3 nhóm đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về giết người, hiếp dâm, sản xuất trái phép chất ma túy); người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Hình sự (trừ các tội danh về hiếp dâm, ma túy); người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Về biện pháp xử lý chuyển hướng, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Cùng với đó là cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 3 biện pháp còn lại là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu và bổ sung điều kiện áp dụng "khi có sự đồng thuận của bị hại hoặc người đại diện của họ" đối với 2 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại.
Bởi lẽ, đây là những biện pháp nếu không có sự đồng ý của bị hại thì không thể triển khai được trên thực tế. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều 1 và điều 2 của luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành phần bồi thường thiệt hại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, áp dụng với trường hợp cha mẹ có điều kiện để bồi thường nhưng không thi hành nghĩa vụ bồi thường.
Đảm bảo tính răn đe nhưng phải nhân văn
Về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp này vì đưa vào Trường giáo dưỡng cũng là tước một phần tự do của người chưa thành niên.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục có kỷ luật chặt chẽ do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Người chưa thành niên sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra và sớm kết thúc quá trình tố tụng; thời hạn tạm giam người chưa thành niên sẽ được rút ngắn đáng kể; hạn chế tối đa gián đoạn quyền học tập, học nghề của người chưa thành niên. Đáp ứng yêu cầu tại Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em "Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết, cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp".
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.
Về các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật về hình phạt áp dụng đối với NCTN, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể trong 4 loại hình phạt để đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngoài hình phạt tù có thời hạn, việc dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ Luật Hình sự về 3 loại hình phạt khác (gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo luật về 4 loại hình phạt, đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.