Trung bình mỗi năm chỉ có 6 người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng

PVH
21/06/2024 - 09:57
Trung bình mỗi năm chỉ có 6 người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận

Qua 6 năm thi hành luật, đến nay chỉ có 35 người chưa thành niên phạm tội được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng là "khiển trách", "hòa giải" và "giáo dục tại cộng đồng".

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành, trong đó có một phần lớn tỷ lệ trẻ em phạm tội có hoàn cảnh gia đình rất éo le. Đây cũng là nguyên nhân xã hội trực tiếp tạo ra những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của các em.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, Ủy ban Tư pháp đã có khảo sát tại các trường giáo dưỡng trên cả nước, cho thấy điều day dứt nhất chính là phần lớn trẻ phạm tội ở trong các gia đình có bố mẹ ly hôn hoặc mồ côi, như trường ở Đà Nẵng chiếm tới hơn 40%, trường ở Đồng Nai có tới hơn 64% trẻ phạm tội thuộc các gia đình không được trọn vẹn, không được quan tâm. Thậm chí, có trẻ vào trường giáo dưỡng đến 9 tháng nhưng không có người thân đến thăm. "Giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, các cháu có một mái ấm gia đình đủ đầy thì có lẽ, các cháu đã không có những sai lầm như vậy" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, thực trạng pháp luật hiện hành đang thiếu tiếp cận mang tính toàn diện và chuyên biệt với người chưa thành niên phạm tội, cho nên đã lấy tiêu chuẩn tư pháp của người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, rồi điều chỉnh một chút, giảm trừ một chút, trong khi "trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, Bộ luật Hình sự được thông qua năm 2015, có 3 biện pháp là "khiển trách", "hòa giải" và "giáo dục tại cộng đồng" áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, qua 6 năm thi hành cho thấy trên cả nước đến nay chỉ có 35 trẻ được áp dụng các biện pháp này; trung bình chỉ có 6 cháu mỗi năm được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, trên thực tế, không phải các cháu không đủ tiêu chuẩn để áp dụng các biện pháp này mà là trong pháp luật hiện hành thì mỗi biện pháp lại có quá nhiều điều kiện để áp dụng, kèm theo quá nhiều nghĩa vụ phải thực hiện, nên gia đình các cháu đề nghị không áp dụng các biện pháp này.

Tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, lần đầu tiên đưa ra khái niệm "xứ lý chuyển hướng" để áp dụng với người chưa thành niên phạm tội. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc dự thảo Luật mở rộng các biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt.

Dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý. 6. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 8. Hạn chế khung giờ đi lại. 9. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 11. Quản thúc tại gia đình. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Việc mở rộng này khắc phục được bất cập đang đặt ra, giúp cơ quan tố tụng linh hoạt việc lựa chọn áp dụng các biện pháp, qua đó cân nhắc các biện pháp cho phù hợp với từng hoàn cảnh, lứa tuổi, giới tính cho người chưa thành niên phạm tội.

Trung bình mỗi năm chỉ có 6 người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng- Ảnh 1.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, thảo luận

Đồng quan điểm các biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng, thực hiện các biện pháp chuyển hướng có bổ sung việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà sẽ giúp các em không bị tách khỏi gia đình, cộng đồng khi đang trong quá trình tố tụng, qua đó giúp các em ổn định tâm lý, tạo cơ hội cho các em sửa sai. Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn tính hiệu quả của các biện pháp giám sát này; đặc biệt là nguồn lực để thực hiện các hoạt động này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm