Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội

PVH
27/08/2024 - 16:20
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, thảo luận tại hội nghị. Ảnh: VPQH

Ngày 27/8, thảo luận về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội nêu thực tế áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng từ 2019 đến tháng 6/2023: chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Xử lý chuyển hướng: Không trường hợp nào bị khiển trách, hòa giải tại cộng đồng qua 5 năm

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 diễn ra ngày 27/8, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự án Luật mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 05 phần, 11 chương và 173 điều (trong đó, đã bỏ 05 điều, bổ sung mới 13 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).

Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung quy định về xử lý chuyển hướng và một số vấn đề có tính chất nguyên tắc về tội phạm, hình phạt. Theo bà Lê Thị Nga, từ đặc điểm của người chưa thành niên chưa trưởng thành về mọi mặt, chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm, khi tham gia các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi thảo luận về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật về việc "chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng" quy định trong Bộ luật Hình sự thành biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 51). 

Phân tích rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết: Trước năm 2015, Bộ luật Hình sự quy định 2 biện pháp tư pháp áp dụng với người chưa thành niên gồm: "Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng". Hai biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và ra bản án. Khi đó người chưa thành niên có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 3 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử).

Khi sửa Bộ luật Hình sự vào năm 2015, Quốc hội quyết định chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám sát, giáo dục (về bản chất là biện pháp xử lý chuyển hướng). Đến nay, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tiếp tục đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm mục đích "vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên".

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội- Ảnh 2.

Đại biểu Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp và các đại biểu tham dự hội nghị

Thảo luận về các biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cho rằng: việc quy định xử lý chuyển hướng thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thuý bày tỏ băn khoăn tính hiệu quả của các biện pháp này, bởi qua tổng kết thi hành, việc áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên là rất ít và hãn hữu. Gần 5 năm (từ 2019 đến tháng 6/2023), chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 

"Thực tế trên xuất phát từ việc hoài nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng chế tài này thấy cơ chế thi hành không hiệu quả, nên thường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo" - đại biểu Ma Thị Thuý nói.

Đại biểu Ma Thị Thuý cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định hậu quả pháp lý của việc "không tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng" như: bị áp dụng biện pháp thi hành án tạm thời; tăng thời hạn xử lý chuyển hướng; tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp…

Trường hợp nào không được áp dụng xử lý chuyển hướng?

Tại Điều 38, Dự thảo Luật nêu rõ các trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là các tội: Giết người, hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng về các tội: Hiếp dâm; Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép, chiếm đoạt chất ma túy.

Bên cạnh đó, người chưa thành niên phạm tội không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi: Tái phạm, tái phạm nguy hiểm; Phạm tội 2 lần trở lên trong đó có ít nhất 1 lần phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.

Với Điều này, nhiều ĐBQH đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một số tội không được áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi như quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. 

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bà Lê Thị Nga cho biết, Dự thảo Luật tách một số tội (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gồm 9 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội cướp giật tài) để cho phép hoặc là áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng hoặc là áp dụng hình phạt. Như vậy, quy định của dự thảo Luật sự thay đổi chính sách theo hướng nhân văn hơn, nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung như "các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên", "địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới", "đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng" (tại Báo cáo điều tra xã hội); "biện pháp xử lý chuyển hướng đề xuất áp dụng", "đề xuất xử lý trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ" (tại Kế hoạch xử lý chuyển hướng) có liên quan đến chuyên môn về tội phạm học và các kiến thức tư pháp, đòi hỏi người có chuyên môn về lĩnh vực này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm