Đề xuất người gây ra bạo lực gia đình phải lao động công ích

Hà Khê
06/12/2020 - 18:32
Đề xuất người gây ra bạo lực gia đình phải lao động công ích
"Cần sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" là đề xuất của một số chuyên gia khi số liệu thống kê cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay chưa đảm bảo tính răn đe.

Những con số biết nói

Tháng 8/2020, chị H. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), quyết định ra ngoài thuê nhà ở riêng vì phát hiện chồng ngoại tình. Chồng chị không đồng ý, ra sức thuyết phục, thậm chí đe dọa vợ. Không thể thuyết phục được vợ, chồng chị H. đến tận nơi ở của chị để gây sự, đánh đập khiến chị H. phải vào viện sơ cứu vết thương.

Cần sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Một trường hợp chồng đánh đập vợ tàn nhẫn tại Hà Nội được camera ghi lại

Không thể tiếp tục nhẫn nhịn con rể hung hãn, bố mẹ chị H. đã làm đơn tố cáo hành vi của con rể ra công an. Tuy nhiên, sau đó chính chị H. đã chủ động rút đơn và chấp nhận nộp phạt thay chồng. Một tuần sau khi được thả về, chồng chị H. tiếp tục gây sự và đánh đập vợ tàn bạo hơn. Bố mẹ chị một lần nữa khuyên con gái làm đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi bạo lực của chồng để hai mẹ con chị được an toàn.


Các hành vi bạo lực gia đình nhất thiết phải xử lý nghiêm và có chế tài thật nặng. “Phạt tiền người gây ra bạo lực gia đình từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng không có tác dụng gì. Pháp luật phải có 2 chức năng quan trọng là giáo dục và răn đe. Hai chức năng này không thể tính bằng tiền”

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời.

Đáng nói, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi phải sống trong gia đình có bạo lực.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90,4% số trường hợp bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Cần sửa đổi một số quy định về xử phạt

Chúng ta có nhiều luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình, như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Hình sự... Tuy nhiên, để các luật này đi vào cuộc sống, trong thực tế còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc xử phạt các hành vi bạo lực gia đình không đủ sức răn đe, đa số thường được hòa giải, trong khi đó, thực tế cho thấy nếu chỉ hòa giải sẽ không dập tắt được bạo lực.

Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình đến phòng tham vấn đều nói lý do chấp nhận bị bạo hành là vì con cái. Tuy nhiên, để giữ một gia đình chỉ là cái vỏ bên ngoài, bên trong đầy rẫy đau đớn, các thành viên bị tổn thương, trẻ sống trong môi trường bị bạo lực như vậy... có đáng hay không? Đối với người hứng chịu bạo hành của chồng, gánh lên mình trách nhiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình thì nên cân nhắc."

Bà Lê Thị Ngọc Bích, Phòng Tham vấn (Nhà bình yên, Trung tâm Phụ nữ phát triển)

Số liệu thống kê tại Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, trong giai đoạn 2009-2019, cả nước có 297.498 vụ bạo lực gia đình, trong đó, chỉ có 33.275 vụ mà người gây bạo lực được xử lý. Trong số các vụ việc được xử lý thì biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (24.523 vụ, chiếm khoảng 73,6%), áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là 977 vụ, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ; tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự chỉ có 350 vụ.

Các số liệu thống kê cho thấy, công tác xử lý vi phạm quy định của pháp luật về bạo lực gia đình được thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư; phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; rất ít vụ khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người. Các biện pháp xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, thực tế hiện nay, hành vi bạo lực gia đình vẫn diễn ra ở nhiều nơi nhưng việc xử phạt chưa thực sự nghiêm túc. Hình thức xử phạt đối với người có hành vi bạo lực gia đình cần có những quy định đặc thù để nâng cao hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị bạo lực là người vợ/chồng hoặc bố mẹ là người nộp tiền phạt hoặc phải lấy tiền từ quỹ chi tiêu chung của gia đình để nộp phạt cho người gây bạo lực gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, cần sửa đổi một số quy định về phạt tiền, một số hành vi cần tăng mức phạt tiền và bổ sung hình thức xử phạt bổ sung. "Để việc xử phạt khả thi hơn, có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân, việc sửa đổi luật cần hướng tới một số hành vi chuyển từ chế tài phạt tiền sang chế tài lao động công ích. Đây là việc nhiều nước trên thế giới đã áp dụng", luật sư Đặng Văn Cường đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, hiện nay, Bộ đang triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật, chính sách và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ.

Theo bà Trịnh Thu Hà, Trưởng phòng Tư vấn tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), đa số nạn nhân bị bạo lực không dám cương quyết tố cáo vì sợ tai tiếng, không dám ly hôn vì sợ con bị ảnh hưởng. "Bên cạnh việc họ sẽ phải nộp kinh phí khi tố cáo hành vi bị chồng bạo hành, họ còn đối mặt với những nguy hiểm khác nếu không có kỹ năng phòng tránh khi đang sống chung với người gây bạo lực", bà Hà cho biết.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm