Đề xuất sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư

PV
22/09/2020 - 16:18
Đề xuất sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư

Đề xuất nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện có thể lên tới 50% với đối tượng hộ nghèo. Ảnh minh họa

BHXH Việt Nam mới có văn bản đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn với lao động khu vực phi chính thức.

Thực tế hiện nay, việc người dân tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách; đồng thời mức thu nhập còn thấp và không ổn định; nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già.

Chị Nông Thị Diệp, quê Thanh Hóa, làm giúp việc gia đình tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: Với lao động thời vụ, lao động tự do cảm thấy BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn.

Chị Diệp chia sẻ, nhiều chị em còn trẻ, đang trong độ tuổi sinh nở, rất cần hưởng chế độ bảo hiểm khi mang thai; hoặc những lao động tự do, dễ gặp rủi ro trong quá trình làm việc, không may bị tai nạn lao động thì loại hình bảo hiểm này lại chưa có chính sách được hưởng. Hiện tại, mới chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất khi tham gia BHXH tự nguyện đã hạn chế sức hút của loại hình bảo hiểm này.

Bà Trần Thị Hồng, chuyên gia nghiên cứu giới và an sinh xã hội, cho biết: Lao động nữ di cư khó tiếp cận an sinh xã hội còn có nguyên nhân từ các quy định pháp luật. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua.

Bà Trần Thị Hồng khuyến nghị, cần điều chỉnh, đơn giản hóa việc quản lý nhân khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho lao động nữ di cư tiếp cận các chính sách an sinh này.

Đồng thời sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện cho hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư. Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nhưng lại không có, nên họ không muốn tham gia. 

Bên cạnh đó, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư.

Đề xuất sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện cho hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư - Ảnh 1.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn với lao động khu vực phi chính thức. Ảnh minh họa: KT

Đề xuất nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện có thể lên tới 50%

Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; đến năm 2025 BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%...

Cùng với việc nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, phối hợp với Bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu; bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt.

BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần, cụ thể: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Bên cạnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam luôn chủ động đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Theo dự kiến của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tại Công văn số 2602/UBVĐXH14  gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH đối với người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam, cũng như dự kiến của BHXH Việt Nam về kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm, giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì: Số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người; Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).

Đến hết tháng 7/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 737 nghìn người, tăng trên 163 nghìn người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2,93 nghìn người, chiếm 1,05% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện là 4,39 nghìn người, chiếm 1,58% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm