Đề xuất xóa biên chế, đừng để giáo viên cuống lên

05/06/2017 - 19:45
Khác với nhiều ý kiến phản đối xóa biên chế đối với giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, lên tiếng ủng hộ đề xuất này với điều kiện "hiệu trưởng phải cùng thuyền với GV".

Xóa biên chế: Phản đối hay là sợ?

Chia sẻ xung quanh vấn đề xóa biên chế giáo viên với PNVN, cô Phạm Thị Huyền, giáo viên mầm non có tuổi nghề rất trẻ ở Thanh Hóa, tâm tư rất nhiều.
Công tác được 4 năm và chuẩn bị nộp hồ sơ để thi công chức, đọc được thông tin xóa biên chế, nữ giáo viên trẻ khá băn khoăn.

Theo cô Huyền, nếu bỏ biên chế mà cứ hợp đồng thì không ai còn yêu nghề mến trẻ bởi để chăm sóc trẻ tận tình chu đáo cần phải có kinh nghiệm và nhiệt huyết.
Điều mà nữ giáo viên trẻ cùng các đồng nghiệp của cô quan tâm là cần có những tiêu chí rõ ràng, công bằng cho những người mới vào nghề và cả người đã gắn bó lâu năm với nghề, đặc biệt là quyền hạn của hiệu trưởng. Bởi theo cô Huyền, bỏ biên chế mà cho hiệu trưởng tự chủ thì nhiều khả năng thiếu công tâm cho giáo viên nếu không có cơ chế quản lý hiệu trưởng chặt chẽ.

  Xóa biên chế nhưng cần hài hòa quyền lợi cho người trẻ và người nhiều kinh nghiệm là băn khoăn của nhiều giáo viên. Ảnh: D.H

“Bản thân tôi là sinh viên sư phạm, ra trường đã 5 năm, kết quả học tập và năng lực thuộc tốp 10 của lớp mà mãi không thi được biên chế, chỉ biết đi dạy kèm. Trong khi các bạn yếu kém, không có năng lực hầu hết được đi dạy vì “chạy” các suất biên chế. Tình trạng này thì học sinh giỏi thế nào được” - cô Hiền bức xúc.Một nữ giáo viên khác ở Hà Nội tên là Mai Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chỉ có những người bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mới phản đối việc xóa biên chế.
Thực tế được cô Hiền chứng kiến nhiều năm là nhiều giáo viên ỉ thế biên chế đã rất lộng quyền bằng cách ép học sinh học thêm, trong khi năng lực của họ rất hạn chế.

Theo quan điểm của nữ giáo viên này, việc bỏ biên chế là hợp lý để tạo cơ hội cho những giáo viên giỏi. Chỉ có những ai yếu kém mới sợ bỏ biên chế và động đến quyền lợi nên ai cũng “kêu trời” là điều dễ hiểu.

Đừng làm giáo viên cuống lên!

Ủng hộ đề xuất xóa biên chế nhưng điều TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, lưu tâm chính là phải tạo sự đồng thuận từ chính các giáo viên.

“Tôi ủng hộ nhưng để làm được phải có lộ trình và phải quyết đồng bộ nhiều thứ chứ không phải cứ tuyên bố là có thể làm được ngay. Từ chính sách đến thực tế là khoảng cách rất xa, nhưng cứ nay đưa ra một ý, ngày kia lại thêm một ý tưởng mà chưa có gì chắc chắn và thuyết phục thì giáo viên làm sao có thể yên tâm?” - ông nói.

Theo TS Tùng Lâm, thay đổi đội ngũ là việc cần thiết phải làm nhưng trước hết, cần tạo nhận thức đầy đủ cho giáo viên, đừng làm họ cuống lên. Đây mới chỉ là đề xuất, gợi ý có tính chuẩn bị chứ không thể nói là làm được ngay. Sẽ rất nguy hiểm nếu để giáo viên hiểu sai vấn đề.

Để thực hiện được điều này, theo TS Lâm, trước hết cần tạo cơ chế tự chủ cho mỗi trường phổ thông. Đây là vấn đề cốt lõi và nếu không giải quyết được vấn đề này, sẽ khó thực thi được vấn đề xóa biên chế.

Thứ hai, nếu thí điểm, Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu cực kỳ kỹ lưỡng, có đề án để phân định rõ từng vùng miền, đối tượng giáo viên, tránh áp dụng máy móc.

“Phải thay đổi đội ngũ và phải có lộ trình, càng chi tiết càng tốt. Các giải pháp phải song song, từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ giáo viên. Đừng chỉ nghĩ đến việc chọn lọc giáo viên mà quên đi rằng họ cần thời gian thích ứng, họ cần phải sống được bằng đồng lương của mình” - TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.

Một ý kiến mà TS Lâm đưa ra, đó là nếu thí điểm, cần để hiệu trưởng cùng “thuyền” với giáo viên. Nghĩa là thí điểm nên bắt đầu từ hệ thống quản lý, từ việc bỏ công chức, viên chức với những người đứng đầu nhà trường trước. Thậm chí người đứng đầu nhà trường phải trải qua thử thách khắt khe hơn, bởi người lãnh đạo giỏi mới dẫn dắt nhà trường phát triển được.

“Hiệu trưởng, hiệu phó cũng là giáo viên giỏi được đề bạt lên. Trong cuộc đổi mới này, họ phải “cùng thuyền” với giáo viên. Còn nếu hiệu trưởng, hiệu phó vẫn là công chức, viên chức sẽ không ổn, việc tuyển giáo viên sẽ bị méo mó” - TS Lâm nói.

Nghe ý kiến TS Nguyễn Tùng Lâm nói về đề xuất xóa biên chế giáo viên:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm