pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đến sáng 7/5: Số ca mắc Covid-19 vượt 3,8 triệu người
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 74.121 ca, tiếp đến là Anh với 30.076 ca và Italy với 29.684 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha (25.857 ca) và Pháp (25.809 ca).
Vẫn còn có 48.073 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Tại Việt Nam, tính đến 6h sáng 7/5, Việt Nam ghi nhận 271 trường hợp mắc bệnh COVID-19.
Trong số đó, cả nước đã ghi nhận 232 bệnh nhân được chữa khỏi (chiếm tỷ lệ 85%). Đến nay đã 6h sáng 7/5, Việt Nam không có ca mắc mới.
Mỹ khảo sát về dịch COVID-19 tại bang New York
Khảo sát mới nhất được công bố ngày 6/5 cho thấy, phần lớn bệnh nhân tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại bang New York (Mỹ) là người thất nghiệp hoặc đã nghỉ hưu và chỉ có 17% số ca tử vong là những người đang có việc làm.
Số ca tử vong ở New York trong 24h qua là 232 ca, con số khá thấp so với thời điểm đỉnh dịch, và mức này đã được duy trì trong 3 ngày qua. Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết khảo sát đã được tiến hành trong 3 ngày ở 113 bệnh viện của bang với lượng thông tin thu thập của khoảng 1.300 bệnh nhân.
Kết quả cho thấy 57% người bệnh nhập viện là người ở thành phố New York; 45% người nhập viện ở thành phố New York là người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ Latinh; 22% người nhập viện là những người sống trong nhà dưỡng lão; và 59% là những người hơn 60 tuổi.
Đáng lưu ý, chỉ 3% số người được khảo sát có dùng phương tiện giao thông công cộng và có tới 96% có sẵn bệnh nền; 37% là những người đã nghỉ hưu và 46% thất nghiệp.
Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình, Thống đốc Cuomo cũng cho biết cựu giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, sẽ đứng đầu một tiểu ban hoạch định lộ trình mở lại các hoạt động ở New York sau đại dịch.
Kể từ 6/5, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York vốn hoạt động 24/24 giờ suốt 115 năm qua sẽ ngừng hoạt động vào buổi đêm, từ 1-5h sáng, để khử trùng và đảm bảo an toàn cho những người sử dụng.
Italy: Hơn 8.000 ca mắc COVID-19 hồi phục trong 24h
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 6/5 thông báo nước này ghi nhận thêm 1.444 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 214.457 trường hợp.
Trong đó, số ca tử vong tăng lên 29.684 trường hợp (tăng 369 ca) và số ca hồi phục là 93.245 ca (tăng 8.014 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italy hiện có 15.769 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.333, giảm 94 trường hợp.
Pháp ghi nhận hơn 25.800 ca tử vong vì COVID-19
Tính đến tối 6/5, số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã lên tới 25.809 người (tăng 278 ca trong 24 giờ), bao gồm 16.237 ( tăng 177) ở bệnh viện và 9.572 (tăng 101) ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Hiện 23.983 người đang nằm viện (giảm 779 so với hôm trước), trong đó 3.147 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 283). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 28 ngày nay. Đến nay, 53.972 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Phát biểu trước Thượng viện ngày 6/5, Thủ tướng Edouard Philippe đã nhắc lại rằng ông phản đối sự "giảm bớt trách nhiệm" của những nhà hoạch định chính sách trong việc đề ra các biện pháp nới lỏng phong tỏa. Ông cho rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc mở lại các trường học.
"Nhà nước đã đóng cửa trường học và cũng đã quyết định mở trở lại," ông nhấn mạnh trước những lo lắng của các thị trưởng, trong đó nhiều người đã đề nghị chính phủ lùi ngày mở cửa trường vì e ngại không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Dự kiến vào chiều 7/5, Thủ tướng Philippe sẽ thông báo chi tiết các biện pháp của "giai đoạn 11/5," ngày đánh dấu sự khởi đầu của quá trình dỡ bỏ phong tỏa tại Pháp.
Đức tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội
Ngày 6/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ hiến các bang đã có cuộc họp trực tuyến quyết định về việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vốn được áp dụng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel đánh giá, Đức đã đạt được các mục tiêu làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và không làm quá tải hệ thống y tế.
Về việc nới lỏng tiếp theo, Thủ tướng Merkel cho biết, Chính phủ và các bang của Đức đã quyết định cho phép nhiều hoạt động được nối lại nhưng có kiểm soát. Tất cả các cửa hàng được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh, kiểm soát lưu lượng khách.
Trước đó, quy định chỉ được áp dụng đối với cửa hàng rộng không quá 800m2.
Các bang sẽ quyết định cho phép mở dần với các cửa hàng ăn uống trong khoảng thời gian từ ngày 9-22/5. Các trường học từng bước đưa học sinh trở lại song song với việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp vệ sinh cũng như duy trì quy tắc giãn cách xã hội.
Việc hạn chế tiếp xúc sẽ tiếp tục được kéo dài đến ngày 5/6. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc giữa hai hộ gia đình được cho phép. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, yêu cầu giữ khoảng cách ít nhất 1,5m vẫn tiếp tục được áp dụng. Bên cạnh đó, Đức tiếp tục duy trì lệnh cấm tụ tập đông người như tổ chức các trận đấu thể thao, các sự kiện văn hóa hay lễ hội sẽ kéo dài ít nhất tới ngày 31/8 và một số sự kiện lớn bị hủy.
Tuy nhiên, giải bóng đá Bundesliga sẽ được phép diễn ra nhưng không có khán giả, dự kiến tổ chức ngày 22/5 sau 2 tuần cách ly tập trung bắt buộc với toàn bộ những người tham gia giải đấu.
Các môn thể thao khác được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo khoảng cách từ 1,5-2m và môn thể thao được luyện tập mà không cần tiếp xúc.
Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc tăng cao
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu thống kê ngày 6/5 cho biết, ngoại trừ Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Maroc, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.
Cụ thể, tính đến chiều 6/5 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 159 ca mắc mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 4.997 người và 476 người tử vong.
Tỷ lệ tử vong khoảng 9%. Trong 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày Algeria luôn có trên 100 ca nhiễm mới, thậm chí có ngày gần 200 ca. Điều này cho thấy dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng và vẫn chưa lên tới đỉnh. Hiện dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 48/48 tỉnh thành của Algeria, trong đó những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất gồm Blida, Algiers, Oran và Constantine...
Hiện Algeria đã 3 lần gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh hiện nay sẽ kéo dài đến hết ngày 14/5. Chính phủ nước này cũng đã tiến hành nhiều biện pháp y tế để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời đã chữa khỏi cho 2.197 bệnh nhân.
Trong khi đó tại Maroc, Bộ Y tế nước này cho biết tính đến chiều 6/5 đã có tổng cộng 5.408 ca mắc COVID-19 khiến 183 người tử vong. So với 24 giờ trước, số bệnh nhân tăng thêm là 189 người và 2 người tử vong.
Số lượng các ca mắc mới tăng nhanh theo từng ngày và kéo dài liên tục trong hai tuần qua đã đưa Maroc vượt lên trên Algeria về tổng số ca mắc bệnh và đứng thứ 3 trong số các quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.
Theo số liệu thống kê cập nhật, 10 quốc gia châu Phi có tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất khu vực gồm có Nam Phi (7.808 ca mắc, 153 ca tử vong), Ai Cập (7.588 ca mắc, 469 ca tử vong), Morocco (5.408 ca mắc, 183 ca tử vong), Algeria (4.997 ca mắc, 476 ca tử vong), Nigeria (2.950 ca mắc, 98 ca tử vong), Ghana (2.719 ca mắc, 18 ca tử vong), Cameroon (2.265 ca mắc, 64 ca tử vong), Guinea (1.856 ca mắc, 11 ca tử vong), Côte d’Ivoire (1.464 ca mắc, 18 ca tử vong) và Senegal (1.433 ca mắc, 12 ca tử vong).
Bên cạnh đó, dù không nằm trong nhóm 10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu Phi nhưng nhiều nước ở khu vực Trung Phi, Tây Phi và Đông Phi cũng đang chứng kiến số ca bệnh tăng cao. Đơn cử như Somalia (873 ca mắc, 38 ca tử vong), Sudan (852 ca mắc, 45 ca tử vong), Niger (763 ca mắc, 38 ca tử vong), Burkina Faso (729 ca mắc, 48 ca tử vong), Mali (631 ca mắc, 32 ca tử vong).
Đáng chú ý là trong số này có những nước rất nghèo, đối mặt với xung đột nội bộ hoặc phần tử thánh chiến nên cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ vô cùng khó khăn.
Một quốc gia khác trong khu vực cũng cần nhắc tới là Cộng hòa Chad, nơi có 170 ca mắc COVID-19 và 17 ca tử vong. Chính phủ Chad đã quyết định phong tỏa thủ đô N’Djamena trong 2 tuần, kể từ ngày 8/5, để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo đó, tất cả các tuyến đường dẫn đến thủ đô N’Djamena sẽ bị chặn và chỉ cho phép các phương tiện vận chuyển hàng hoá và thực phẩm thiết yếu được lưu thông. Ngoài ra, tất cả người dân thủ đô khi ra ngoài đường bắt buộc phải đeo khẩu trang và phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào buổi đêm.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia châu Phi đã áp đặt các biện pháp phòng ngừa cao nhất, bao gồm cả lệnh phong tỏa, lệnh giới nghiêm và các biện pháp y tế.
Tuy nhiên, một vài quốc gia như Algeria và Tunisia đã bắt đầu cho nới lỏng một số quy định để kích thích phát triển kinh tế song song với việc chống COVID-19, nhất là trong mùa lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, việc nới lỏng sớm các biện pháp cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát ở mức khó kiểm soát ở các quốc gia này.
Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp
Ngày 6/5, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho hay, số người tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên tới 3.584 trường hợp, trong đó có 64 ca được ghi nhận trong 24h qua. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 131.744 người, trong đó có 2.253 trường hợp mới được phát hiện.
Còn tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nước này cũng phát hiện thêm 546 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 lên đến 15.738 người.
Theo nhà chức trách UAE, đến nay nước này đã xác nhận có 157 người tử vong do COVID-19 trong khi cũng có thêm 206 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn. Hiện tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và ra viện là 3.359 người.
Cũng trong ngày 6/5, giới chức y tế Yemen đã xác nhận thêm 4 ca nhiễm mới, qua đó nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Arab này lên con số 25.
Hiện đã có 5 trường hợp tử vong do COVID-19 ở Yemen và đến nay mới chỉ có 1 bệnh nhân khỏi bệnh. Giới chuyên gia y tế trong khu vực đã bày tỏ lo ngại rằng hệ thống y tế của Yemen không đủ khả năng chống đỡ với đại dịch nguy hiểm này.
Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở Syria hiện là 45 trường hợp, trong khi số ca tử vong là 3 còn những người đã khỏi bệnh hiện là 27.
Chính phủ Syria đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc từ ngày 25/3 nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Trong khi đó Iraq cũng phát hiện thêm 49 ca nhiễm mới và tổng số người mắc COVID-19 ở nước này cũng lên tới 2.480.