ĐH công lập chưa tự chủ có thể tăng học phí gần 5 lần trong 3 năm tới

23/10/2017 - 20:36
Theo dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập, vừa được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét, đến năm học 2020-2021, học phí trường ĐH công lập chưa tự chủ sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần so với hiện nay.

Học phí sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần

Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị).

Các mức học phí khác nhau tùy từng loại hình tự chủ tài chính. Trong đó, loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường có quyền quyết định mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Trong tương lai, học phí ĐH sẽ tăng cao do tự chủ. Ảnh minh họa 


Đặc biệt, với loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên, dự kiến học phí sinh viên phải đóng sẽ tương đương mức học phí các trường đã được Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Cụ thể, ở năm học 2020 - 2021 học phí mỗi tháng sẽ từ 2,05 - 5,05 triệu đồng/sinh viên (tùy nhóm ngành đào tạo). Tính theo năm học (10 tháng) sẽ tương đương 20,5 - 50,5 triệu đồng/sinh viên.

Mức học phí này cũng được áp dụng chung cho loại hình trường tự chủ tài chính tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức thu được thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.

Như vậy, so với mức học phí dành cho các trường chưa tự chủ tài chính ở cùng thời điểm năm học 2020 - 2021, học phí trường tự chủ cao gấp 2 đến 3,5 lần (trường chưa tự chủ sẽ thu 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm học). Còn so với học phí trường ĐH công lập chưa tự chủ hiện nay (7,4 - 10,7 triệu đồng/năm học 2017 - 2018), học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.

Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí có thể cao hơn.

Nhiều ĐH cân nhắc việc tăng học phí

Theo ghi nhận hiện tại, mức học phí đang tăng cao nhất thuộc về ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trước đó, nhà trường đã có thông báo đang lập đề án tự chủ tài chính toàn phần. So với mức học phí hiện tại chỉ 1,07 triệu đồng/sinh viên/tháng, học phí một số ngành của trường tăng từ 3,4 đến 4,1 lần. Chương trình tiên tiến ngành điều dưỡng tại Trường ĐH Y Hà Nội cũng có mức học phí dự kiến cao gấp 1,5-2 lần mức học phí của chương trình đại trà.

ĐH Luật TP.HCM cũng được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ tài chính với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ ĐH hệ chính quy năm 2017-2018 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu tăng học phí từ năm học 2016-2017 khi trường được phê duyệt đề án tự chủ. Năm nay, theo thông báo chính thức, mức học phí bình quân là 14,4 triệu đồng năm. 

Mức thu cho phép ở một số trường như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho năm 2017-2018 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên đây là mức học phí cho chương trình đại trà còn các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học phí sẽ gấp nhiều lần.

Thông báo của Trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết, mức học phí năm học 2017-2018 đối với chương trình đại trà hệ đào tạo ĐH tại cơ sở Hà Nội và TP.HCM là 16,8 triệu đồng/sinh viên/năm học, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm học trước.

Để con vào ĐH và tốt nghiệp ra trường khi học phí tăng là nỗi lo chung của nhiều gia đình. Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM - lo ngại việc tăng học phí sẽ dễ xuất hiện tình trạng sinh viên phải bỏ học do học phí cao khi thực hiện tự chủ đồng loạt. “Đây cũng chính là điều mà trường băn khoăn, trăn trở nên chưa thực hiện đề án thí điểm tự chủ đến thời điểm này” – ông nhấn mạnh.

Một số lãnh đạo trường ĐH cũng chia sẻ, tự chủ học phí nếu tăng sẽ bắt buộc người học phải cân nhắc kỹ lưỡng trong lựa chọn trường học, ngành học để ra trường có thể làm việc, kiếm tiền bù đắp cho sự đầu tư trước đó.

Bên cạnh đó, tăng học phí cũng đồng nghĩa với việc tăng chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất tương đương. Đây cũng là bài toán khá đau đầu với các trường ĐH khi nắm trong tay một nguồn tiền tăng thêm để đầu tư ngược trở lại cho người học sao cho thật hiệu quả.

Với người học, việc tăng học phí là cả vấn đề lớn, đặc biệt với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lý Thị Hà (Hà Đông, Hà Nội) có con học ĐH Thuỷ lợi cho biết, đang lo nơm nớp do nhà trường vừa thông báo học phí sẽ tăng theo tín chỉ.

“Mỗi tín chỉ tăng thêm một ít, tổng cộng lại cũng phải cộp thêm cả triệu bạc cho con mỗi tháng. Chúng tôi đều là công chức, đồng lương có hạn nên việc tăng học phí ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu gia đình. Mà cứ tăng học phí thế, ra trường con có tìm được việc hay không lại càng thêm nan giải!” - chị Hà thở dài than.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm