Nhiều chuyên gia nhận định việc di dời TTHC là điều “sớm muộn gì cũng phải làm” |
Khắc phục chỉ là tạm thời
Ông Tô Văn Hùng, Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố, Phó chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng cho hay: “ Với chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, công trình tòa nhà trung tâm hành chính có tổng diện tích gần 65 ngàn m2 phục vụ cho khoảng 1.500 cán bộ CNV là hợp lý. Tuy nhiên, giải pháp thiết kế công trình mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ nhưng về mặt kỹ thuật thì gặp một số vấn đề”.
Ông Hùng lý giải, việc sử dụng vỏ bao che có diện tích lớn bằng chất liệu kính chưa thật sự phù hợp với địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có số giờ nắng bình quân trong năm là hơn 2.000 giờ như Đà Nẵng.
Đặc biệt đối với các tầng trên cao của khối tháp, do thu nhỏ dần nên góc chiếu mặt trời lớn tạo khả năng hấp thu bức xạ mặt trời cao. Điều đáng quan tâm nữa chính là hình dạng mặt bằng tòa tháp được thiết kế với dạng mặt bằng hình tròn khá bất lợi về mặt tiện nghi cho thể loại trụ sở làm việc, khó khăn cho việc phân chia và bố trí không gian làm việc.
Ông Hùng đưa ra giải pháp trước mắt đối với tòa nhà là cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ mặt trời, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi cho các các không gian làm việc.
Liên quan đến việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do lưu lượng người làm việc tại tòa trung tâm hành chính thì cần thiết phải nghiên cứu tổ chức lại lưu thông trên các tuyến đường phố tại khu vực, đảm bảo phân bố hợp lý về các hướng tiếp cận và giải tỏa phương tiện giao thông.
Về lâu dài: Buộc phải di dời
Đó là khẳng định của kiến trúc sư Hồ Văn Diệm, Hội viên Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng. “Thậm chí là phải dời càng sớm càng tốt để TP tính toán lại quy hoạch các công trình xung quanh để tránh lãng phí bởi việc khắc phục hiện tại với tình trạng ách tắc giao thông, thiếu o xy như được nêu ra chỉ là tạm thời”
Ông Diệm lý giải, 5 năm trước ngay khi TP có chủ trương xây dựng TTHC, nhiều kiến trúc sư và các chuyên gia đã lên tiếng góp ý rằng thiết kế hiện tại không hợp lý. “Với khí hậu nắng nóng như Đà Nẵng thì cần áp dụng kiến trúc của Pháp – xây tường gạch, trổ nhiều cửa sổ lấy gió chứ không thể dùng kiến trúc bằng kính như nhiều công trình hiện nay, trong đó có tòa nhà TTHC.
Tại sao tòa nhà lại bị nóng, thiếu ô xy? Hiểu đơn giản như chúng ta hay nghe về “hiệu ứng nhà kính” khiến trái đất nóng lên. Ở đây cũng tương tự như vậy, vật liệu kính hấp thụ hơi nóng, hàng nghìn người làm việc trong tòa nhà liên tục vào ban ngày khiến lượng o xy bị thiếu hụt”
Xét về độ an toàn của tòa nhà, ông Diệm cho biết nếu xảy ra việc cháy nổ hay cúp điện, máy thông gió ngừng hoạt động… việc xử lý, cứu nạn cũng là vấn đề từng được cảnh báo là rất khó khăn. Xét về vị trí, TTHC đang ở nơi có mật độ dân cư đông đúc, nơi có rất nhiều công trình cao tầng, có lượng người qua lại rất đông trong TP.
Ông Diệm nhận định: “Đây là vấn đề quy hoạch cần thay đổi chứ không thể khắc phục tạm thời. Di dời càng sớm thì chúng ta có thời gian chỉnh sửa lại các quy hoạch hiện tại. Đơn cử như việc cần xem xét lại xây dựng hầm vượt sông Hàn – công trình được cho là sẽ giải quyết ách tắc giao thông cho TTHC. Nay chúng ta di dời rồi thì nên tính lại có xây nữa không để tiết kiệm ngân sách, dùng cho việc khác phù hợp với quy hoạch mới. Bên cạnh đó, việc dời TTHC ra một địa điểm khác, nơi có những khu đất rộng, thưa dân cư sẽ giúp cho chúng ta kéo dãn dân cư và phát triển một khu vực khác của TP, thay vì cứ ở một nơi vốn đã đông dân”.
Nói về việc TTHC chỉ mới hoạt động chưa đầy 3 năm nay phải di chuyển, ông Diệm cho hay: “Như đã nói ở trên, về quy hoạch, về an toàn và phát triển thành phố, tòa nhà TTHC buộc phải di dời mới giải quyết căn cơ được mọi vấn đề trên. Sẽ có những tổn thất nên cần phải tính toán kỹ lưỡng về thời gian, lộ trình và cả thiết kế mới về sau để tránh được những vấn đề như hiện nay”.