Di tích Vũng Đục và chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng vùng mỏ

Thu Hà
27/07/2023 - 22:20
Di tích Vũng Đục và chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng vùng mỏ

Phu mỏ thời Pháp phải sống cuộc sống vô cùng cơ cực. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.

Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận hi sinh để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, đài tưởng niệm Vũng Đục đã được chính quyền và nhân dân TP Cẩm Phả xây dựng ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.

Tri ân chiến sĩ Cách mạng vùng mỏ.

Trong thời kì bị thực dân Pháp xâm lược, chúng biến vùng đất Quảng Ninh thành nơi khai thác và chế biến than. Năm 1948-1949, thực dân Pháp đã bắt hàng trăm đoàn viên công đoàn, thanh niên cứu quốc và những người dân khu mỏ dám đứng lên đấu tranh; nhiều người bị tra tấn dã man hoặc dìm chết dưới biển Vũng Đục.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tập II (1945 - 1955), trang 77, xuất bản tháng 5/1993 ghi: “Từ ngày 18/10/1948, đến 1/1949 (đây là vụ vỡ cơ sở lớn nhất trong 5 vụ đã xảy ra). Số người của ta bị bắt gồm 9 cán bộ, đảng viên, 1 Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, 4 ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính, 3 giao thông viên, 1 công an, 2 đội viên danh dự, 2 ủy viên Ban chấp hành phân đoàn, 7 đội viên cứu quốc, 21 dân thường, tổng cộng toàn bộ người của ta bị bắt là 61 người, 52 người bị chúng giết chết, trong đó giặc Pháp đã đem dìm xuống ở Vũng Đục Cẩm Phả 30 người. Nguyên nhân là hoạt động lộ liễu, mất cảnh giác, tổ chức lỏng lẻo, bừa và ẩu, đưa cả tên lưu manh (Thảo) thường dao du với bọn mật thám vào tổ chức công đoàn, y đã báo cho địch biết cơ sở của ta”…

Di tích Vũng Đục và chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng vùng mỏ - Ảnh 2.

Chân dung các nữ liệt sĩ bị địch dìm chết tại Vũng Đục năm 1948-1949. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Di tích Vũng Đục và chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng vùng mỏ - Ảnh 3.

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý, 1 trong 8 nữ chiến sĩ Cộng sản bị giặc Pháp cho vào bao, buộc đá dìm chết tại Vũng Đục. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Sau sự kiện này, chẳng những phong trào cách mạng không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mãnh liệt hơn trên phạm vi rộng, trải dài suốt từ Cửa Ông đến Vàng Danh, Mạo Khê.

Năm 1958, khi đưa đoàn văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, nhà thơ Huy Cận xúc động trước sự việc này đã viết bài thơ "Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả" đăng báo Nhân dân, nhờ đó Bác Hồ đã yêu cầu ngành Than xác minh sự việc để báo cáo lại. Con số không chỉ dừng lại ở 5 mà là 8 nữ chiến sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Phạm Thị Xuyến, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bích, Đoàn Thị Mão, Phạm Thị Tỵ, Phạm Thị Ngọ, Trần Thị Nga, Nguyễn Thị Thu.

Hiện vẫn còn hàng trăm chiến sĩ, thợ mỏ yêu nước khác đang yên nghỉ dưới khu vực Vũng Đục mà chưa thể biết được danh tính, chưa thể tìm được hài cốt. 

Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân TP Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm và đền liệt sĩ ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh khu di tích Vũng Đục. Ngôi đền cũng gợi nhớ một thời kháng chiến hào hùng mà oanh liệt của lớp lớp thế hệ quân và dân Vùng mỏ kiên cường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm