Đi tìm nguyên nhân bạo hành trẻ mầm non

05/12/2017 - 07:11
Lương thấp, làm việc trong môi trường áp lực, thiếu kĩ năng, không mến nghề, yêu trẻ… là những lý do gây nên nạn bạo hành trẻ em. Tình trạng này diễn ra khốc liệt hơn ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ.

Khi giáo viên thiếu kiến thức, yếu kỹ năng

Tình trạng bạo hành trẻ mầm non diễn ra ngày càng nghiêm trọng, mà mới đây nhất là vụ các bé trường mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.HCM) bị các cô giáo, bảo mẫu hành hạ dưới mọi hình thức một cách vô lương tâm. Vụ việc gây phẫn nộ dư luận khi mức độ bạo hành phức tạp, trên nhiều trẻ và trải qua thời gian dài.

Một báo cáo mới đây của Khoa Giáo dục mầm non, trờng Đại học Sài Gòn cho biết, trong thời gian gần đây, nạn bạo hành trẻ mầm non là một vấn đề vô cùng bức xúc của xã hội. Phòng chống bạo hành trẻ mầm non là vấn đề cần được quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo GVMN trong cả nước.

Quan sát cho thấy, nạn bạo hành thường xảy ra ở những nhóm trẻ và trường mầm non ngoài công lập, những người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp đào tạo qua trường lớp mầm non. Qua phân tích những nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ mầm non, một trong những nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức. Thực tế này chứng minh vai trò của GDMN là vô cùng quan trọng.

Hình ảnh từ clip trẻ ở lớp Mầm Xanh bị bạo hành đang gây phẫn nộ dư luận

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao- Trưởng khoa GDMN, ĐH Sài Gòn cho hay, đạo đức của giáo viên mầm non phải được hình thành từ khi còn là sinh viên, gần như là “thử lửa” từ chính tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường. Lòng yêu nghề và sự kiên nhẫn cần thiết cũng cần được rèn dũa và bồi đắp ngay từ khi đang học.

Theo bà Quỳnh Dao, qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều người trực tiếp bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ, trường mầm non thường chưa có bằng cấp nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non. Nhiều cơ sở mầm non hiện chưa quan tâm đến việc giải tỏa tâm lý của giáo viên, bảo mẫu dẫn đến sự ức chế bị dồn nén.

“Giáo viên mầm non thường làm việc từ 5h đến 17h mỗi ngày với hàng chục trẻ, đến tối về nhà lại phải lo cho gia đình, con cái của họ. Công việc áp lực, đồng lương lại thấp, lâu ngày dẫn đến sự căng thẳng. Nhiều cô giáo do ức chế tinh thần nên mắc chứng tâm lý thích hành hạ người khác, mà người đó phải là người họ thân quen”- bà Quỳnh Dao dẫn chứng.

Chính lý do này nên theo bà Quỳnh Dao, bất kể một cơ sở mầm non nào dù tư thục hay công lập khi tuyển chọn giáo viên đều phải chú trọng kỹ khâu tuyển dụng nhân sự. Đó phải là một người có trình độ chuyên môn nhất định và phẩm chất đạo đức tốt để có thể “trụ” được với nghề. Nếu không yêu trẻ, yêu công việc, hệ lụy đáng tiếc chắc chắn sẽ đến từ chính những người giáo viên như thế.

Sự chia sẻ kịp thời từ “đầu tàu”

Dành cả cuộc đời để dạy trẻ mầm non từ một trường khá nổi tiếng ở Hà Nội, nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Thanh (hiện là Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Bầu trời trẻ thơ, Hà Nội), thừa nhận hiếm có nghề nào vất vả như nghề nầy. Bà khẳng định, phải là giáo viên có tâm huyết, yêu trẻ mới làm được bởi với đồng lương quá thấp, không phải ai cũng dũng cảm bám nghề.

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, cô Hoàng Thị Thanh cho biết, công việc của giáo viên mầm non áp lực và kéo dài suốt từ sáng sớm đến tận tối muộn. Nhiều hôm các cô phải ở lại đến 8 - 9h tối do phụ huynh không đón được con, các cô phải ở lại trông học sinh cho đến khi trả hết trẻ.

“Nhìn các giáo viên, tôi thấy cực kỳ chia sẻ, nhất là với những giáo viên phải nuôi con, trọng trách lớn trong gia đình hoặc thu nhập của chồng cũng bấp bênh… thì càng cực kỳ vất vả. Là nghề vất vả nhất trong các cấp học nhưng lương không khác gì các cấp học khác, đây là điều bất cập. Trong vai trò là nhà quản lý, tôi rất thông cảm với các giáo viên”- cô Thanh nói.

Chính trong môi trường áp lực và mệt mỏi này, tạo ra không khí đoàn kết, chia sẻ và tương trợ nhau là điều rất quan trọng, là sợi dây vô hình để gắn kết các giáo viên. Vai trò của “đầu tàu”, theo cô Thanh là điều rất quan trọng.

“Với các cô, một lời động viên trong ngày dài vất vả, có ý nghĩ tinh thần rất lớn. Hoặc khi có giáo viên ốm đau, mình kịp thời chia sẻ, động viên kịp thời, quan tâm đến đời sống của các cô để hỗ trợ về mặt tinh thần là điều mà tôi luôn tâm niệm trong những năm làm quản lý”- cô Thanh nói.

Nữ giáo viên cũng chia sẻ, trong mọi hoàn cảnh, cô luôn mong muốn các giáo viên nhận thức rằng, phải yêu trẻ, yêu công việc thì mới bám trụ được, bởi đồng lương thấp mà môi trường làm việc căng thẳng. Những ai tự nhận thấy khó có thể theo nổi nghề, cô thẳng thắn yêu cầu giáo viên đó chủ động tìm việc khác để tránh ảnh hưởng đến chính các trẻ mà mình chăm sóc. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm