‘Địch Công kỳ án’: Truyện trinh thám khắc họa sâu sắc tiếng nói nữ quyền

16/03/2019 - 08:57
Không chỉ gây ấn tượng bởi những vụ án ly kỳ hấp dẫn về thần thám Địch Nhân Kiệt, series ‘Địch Công kỳ án’ còn là tiếng nói nữ quyền, khát vọng muốn có một cuộc sống chủ động của người phụ nữ.

Hiếm có một bộ truyện trinh thám nào lại đặc biệt như loạt truyện trinh thám Địch Công kỳ án của nhà Đông Phương học người Hà Lan Robert van Gulik (NXB Văn học và Phúc Minh Books phát hành).  Series truyện này gồm 16 cuốn, nhân vật chính là Địch Công - nguyên mẫu là Địch Nhân Kiệt - một vị thần thám lẫy lừng dưới thời Đường - Chu nhưng lại được viết bởi một tác giả người phương Tây. Chính sự giao thoa này đã tạo nên sự cuốn hút đặc biệt cho bộ sách được mệnh danh là "Mưa nguồn Trung Hoa, gió nguồn Âu – Mỹ" này.

1.jpg
 

Chuỗi truyện phá án của Địch Công đã trở thành một trong những tác phẩm trinh thám quan án thành công nhất đầu thế kỷ 20. Không chỉ gây ấn tượng bởi đề tài phá án vốn rất hấp dẫn ly kỳ, bộ sách còn là văn hóa, lịch sử của một giai đoạn thịnh trị của chế độ phong kiến Trung Quốc, đặc biệt khắc họa sâu sắc tiếng nói nữ quyền của phụ nữ lúc bấy giờ.

Cá tính hóa các nhân vật nữ

Địch Công hay Địch Phán Quan là nhân vật chính trong series trinh thám của Robert van Gulik nhưng những nhân vật nữ lại là những người được nhắc đến nhiều nhất. Không có tập truyện nào của Địch Công lại không có nhân vật nữ. Và các nhân vật này vô cùng đa dạng: Mệnh phụ phu nhân cao quý, tiểu thư nhà quý tộc đến những cô gái có thân phận thấp hơn như dân thường, kỹ nữ, vũ nữ, nô tì... nhưng mỗi người lại có một đặc điểm riêng, cá tính riêng.

Không biết là do vô tình hay cố ý, các nhân vật nữ dù bị trói buộc bởi các lễ giáo phong kiến, họ vẫn có ý thức được "vượt thoát" lên khỏi sự kìm kẹp đó. Điển hình là nàng Tử Tây trong tập 7 – Ngọc xuyến án. Tử Tây cô nương mang những nét phóng khoáng mà ít cô gái phong kiến nào có được. Nàng dám yêu, dám bày tỏ tình yêu, cũng rất thông minh và táo bạo. Hay như nàng nữ sĩ Ngọc Lan trong tập 9 Thi nhân và sát nhân, nàng luôn ý thức rõ được giá trị của mình. Tài hoa của nàng cũng có thể sánh ngang với đấng nam nhi lúc bấy giờ. Rõ ràng so với một dàn nhân vật nam (trừ Địch Công và 4 thủ hạ được khắc họa rõ nét) có phần mờ nhạt thì việc cá tính hóa các nhân vật nữ là một điểm mạnh của tác giả. Dù ở tầng lớp khác nhau nhưng điểm chung ở họ chính là tinh thần mạnh mẽ, kiên cường, cá tính so với hình ảnh liễu yếu đào tơ thường thấy.

Một điều thú vị khác là hình ảnh kỹ nữ, vũ nữ trong truyện Địch Công được xuất hiện như một nhân vật chính khá dày đặc, chiếm 1/4 tổng số tập: Tập 3 – Thuyền hoa án, tập 8 – Hồng lâu án, tập 9 – Thi nhân và sát nhân, tập 16 – Quảng Châu án. Trái ngược với với quan điểm thời ấy về phận nữ nhi không được học chữ, các kỹ nữ trong Địch Công đều là những người tài sắc vẹn toàn, thậm chí còn có phần "nhỉnh" hơn cả nam nhân. Họ vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của hận thù, quyền lực của nam nhân, bị cuốn vào các vụ án mạng nhưng không vì thế mà cam chịu cúi đầu.

Bên cạnh đó, vấn đề "trinh tiết" cũng được tác giả đề cập đến. Dưới xã hội phong kiến, trinh tiết của người phụ nữ được đánh giá rất cao, thậm chí còn quý hơn mạng sống. Việc mất trinh tiết đồng nghĩa với việc cuộc đời của người phụ nữ ấy bị hủy hoại. Thế nhưng, nhân vật Tam phu nhân của Địch Công đã vượt lên trên định kiến đó, để có thể có được hạnh phúc cho riêng mình.

Phụ nữ có thể hận, có thể khóc, nhưng không thể không kiên cường và đặc biệt đừng bao giờ đợi chờ người khác mang hạnh phúc đến cho mình - đó chính là tư tưởng mà Robert van Gulik đã thể hiện trong series truyện  này. Với ông, dù là công chúa, nàng tiểu thư khuê các hay cô gái điếm lầu xanh, tất cả đều xứng đáng được đối xử bình đẳng, giai cấp hay giàu nghèo không phải là thước đo để đánh giá một con người

2.jpg
 

Mặt khác, việc "cá tính hóa" các nhân vật nữ còn nằm ở phần tranh minh họa của tác giả. Không ít lần Robert van  Gulik đã khắc họa người phụ nữ khá táo bạo với tranh khỏa thân, cảnh tắm... Nhiều người cho rằng những hình ảnh đó không phù hợp với sự kín đáo của phụ nữ phương Đông. Nhưng nếu xét trong bối cảnh nhà Đường thì phụ nữ thời đó có trang phục và tư tưởng thoáng hơn so với phụ nữ thời Hán hay Tống.

Cái nhìn về phụ nữ đầy mâu thuẫn

Dù có cái nhìn vượt thời đại đối với hình tượng các nhân vật nữ trong truyện nhưng Robert van Gulik cũng thể hiện một cái nhìn đầy mâu thuẫn về họ. Nghe thì có vẻ không logic nhưng thật ra đây là cách mà tác giả muốn giữ lại những giá trị lịch sử - văn hóa của bộ truyện này

Địch Công kỳ án có bối cảnh là thời Đường - khi mà đạo Giáo, đạo Nho, đạo Phật trong thời kỳ hưng thịnh nhất. Địch Công vốn xuất thân từ Khổng - Nho vì thế dù ông có cái nhìn tân tiến đến đâu thì cũng không tránh khỏi hệ tư tưởng của mình. Địch Công có thể thông cảm cho số phận của những ca nữ, thán phục tài năng của họ, thậm chí là tán thưởng sự táo báo của Tử Tây cô nương nhưng vẫn không thể không có suy nghĩ phụ nữ là trung tâm của sự rắc rối và đôi khi là khởi nguồn của tội ác.

Địch Công có thể thông cảm cho hoàn cảnh của Tam phu nhân, sẵn sàng lấy cô về làm vợ dù cô vướng phải tội "thất tiết" nhưng lại không đồng ý với việc phụ nữ quan hệ bất chính ngoài luồng như trong vụ án Tứ Bình Phong. Ông có thể tán thưởng tài năng, nhan sắc của nữ sĩ Ngọc Lan nhưng lại không thích việc cô là một kỹ nữ tự do. Ông có thể thông cảm cho tình yêu, khát vọng hạnh phúc của những cô gái làm nghề buôn hương bán phấn nhưng lại không đồng tình với việc đánh bóng tên tuổi của nàng hoa khôi lầu xanh. Và trong con mắt của Địch Công, phụ nữ có thể lầm đường lạc lối nhưng vẫn phải giữ vững "Công - dung - ngôn - hạnh".

Có thể nói sự "vượt thoát" của hình tượng người phụ nữ trong series Địch Công Kỳ Án của Robert van Gulik so với thời bấy giờ là khá táo bạo, nhưng nó vẫn trong khuôn khổ cho phép. Phải chăng mà vì thế, bộ truyện này được cả phương Tây và phương Đông tiếp nhận một cách nồng nhiệt và được xem như là cái gạch nối giữa trinh thám phương Tây và phương Đông và là đại diện tiêu biểu của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm