pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch sởi tiếp tục "nóng" ở một số địa phương
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi
Ngày 3/12, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tuần 48 (từ 25/11 đến 1/12), thành phố ghi nhận 319 ca bệnh sởi, tăng 58,1% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 180 ca nội trú (tăng 36,6%) và 180 ca ngoại trú (tăng 98,6%). Số trường hợp mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng ở nhóm 6 - 9 tháng và nhóm trẻ từ 11 - 14 tuổi; số ca nhiễm thuộc nhóm 1-10 tuổi không tăng.
Đáng chú ý, đã có một trường hợp sởi tử vong là bé gái 12 tháng tuổi (ngụ phường Linh Chiểu, TP.Thủ Đức) chưa được tiêm vaccine sởi do cơ địa suy dinh dưỡng và bị tật thiểu sản phổi phải bẩm sinh. Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ ngày 20/11 đến 28/11 với chẩn đoán nhiễm trùng huyết - viêm phổi nặng hậu sởi.
Như vậy từ đầu năm 2024 đến ngày 1/12, TPHCM ghi nhận tổng cộng 2.438 ca bệnh sởi, bao gồm 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, đã có 4 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng gia tăng với 574 ca, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện của thành phố.
Tại Đồng Nai, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, chỉ tính từ ngày 15/11-28/11, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.050 ca mắc sởi, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023. Có những ngày ghi nhận hơn 100 ca mắc như ngày 21/11 có 102 ca. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca sởi trên địa bàn tỉnh là hơn 3.000 ca, trong đó có 2 ca tử vong.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi mặt trận, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch sởi. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sởi trên địa bàn, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là những nơi có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Trong khi đó, tại Bình Dương, tỉnh cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi vào ngày 11/11. Đó là trường hợp của bé gái 13 tháng tuổi (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Kết quả chẩn đoán bé tử vong do bệnh sởi kèm suy gan cấp, bệnh não gan độ 3, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng.
Số ca mắc sởi cao hơn 111 lần so với cùng kỳ năm 2023
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm diễn ra mới đây, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần; số sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Theo ông Tâm, nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ông Tâm cũng lưu ý, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh/thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp.
Theo Sở Y tế TPHCM, để ứng phó với dịch sởi, thành phố tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn. Đến nay, đa số quận huyện báo cáo đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng.
Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, ngành y tế cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.
BS CKI Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, khi trẻ mắc sởi, tốt nhất là nên chăm sóc trẻ trong môi trường đủ thông thoáng, đủ ánh sáng để quan sát kịp thời các dấu hiệu bất thường như chảy mủ tai, nhòe mắt nhiều, trẻ thở nhanh, thở mệt. Một số trẻ mắc sởi thì còn kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước. Do vậy phụ huynh nên chia nhỏ cữ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu; không nên kiêng ăn tuyệt đối vì có thể khiến cho trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Trẻ bị sởi thì không cần kiêng gió kiêng nước; nên cho trẻ tắm, lau người nhẹ nhàng cho trẻ.
Ngoài tiêm vaccine phòng sởi, người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi, bao gồm: giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long ho hấp (ho, chảy nước mũi …). Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.