Điểm danh tính an toàn và hiệu quả của 6 loại vaccine phòng covid-19 được WHO phê duyệt

N.A
24/06/2021 - 10:30
Điểm danh tính an toàn và hiệu quả của 6 loại vaccine phòng covid-19 được WHO phê duyệt
Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt 6 loại vaccine phòng covid-19. Sự chấp thuận từ WHO là bảo chứng về an toàn và hiệu quả để mỗi quốc gia xem xét phê duyệt theo quy định của mình.

Pfizer/BioNTech đã được lưu hành ở 103 quốc gia

Quốc gia sản xuất: Hoa Kỳ và Đức

Ngày phê duyệt: 1/1/2021

Áp dụng: Hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày.

Giá thành: 19,5 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Vaccine này là mRNA mã hoá cho protein gai của SARS-CoV2 được bọc trong các cấu trúc nano béo. Sau khi hấp thụ, tế bào sẽ biểu hiện các protein trên vỏ tế bào và dẫn đến phản ứng miễn dịch.

Sự hiệu quả: Ngày 2/4/2020, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều. 

Pfizer/BioNTech là loại vaccine đầu tiên được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và cho đến nay, loại vaccine này đã được sử dụng ở 103 quốc gia. 

Vaccine Pfizer/BioNTech phải được lưu trữ trong kho lạnh ít nhất -70°C, do vậy, giá thành sản phẩm khá cao.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 1.

Vaccine AstraZeneca hiện có 173 quốc gia sử dụng

Quốc gia sản xuất: Vương quốc Anh và Thụy Điển

Ngày phê duyệt: 15/2/2021

Áp dụng: Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần

Giá thành: 10 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Sử dụng một loại virus đã được biến đổi gen với một protein virus Corona để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Sự hiệu quả: Theo Cơ quan Y tế Công cộng vương quốc Anh, hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả từ 65-90%. Độ bảo vệ giảm nhẹ từ tuần thứ 10 sau khi tiêm liều đầu tiên. Quy trình sản xuất và vận chuyển vaccine AstraZeneca khá dễ dàng và rẻ bởi vì loại vaccine này có thể bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn đến 6 tháng. 

Tháng 3/2021, vaccine AstraZeneca vấp phải nhiều tranh cãi do để lại tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu và giảm tiểu cầu. 

Đây là vaccine nòng cốt trong sáng kiến Covax (Thuận lợi tiếp cận vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên phạm vi toàn cầu), nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccnie Covid-19 khi nó được phát triển. 

Hiện có 173 quốc gia đang sử dụng vaccine AstraZeneca.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 2.

Vaccine Johnson & Johnson đã được sử dụng ở 24 quốc gia

Quốc gia sản xuất: Hoa Kỳ

Ngày phê duyệt: 12/3/2021

Áp dụng: 1 lần tiêm

Giá thành: 10 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Sử dụng một loại virus đã được biến đổi gen với một protein virus Corona để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Sự hiệu quả: Trong thử nghiệm lâm sàng toàn cầu với 44.000 tình nguyện viên, vaccine Johnson & Johnson hiệu quả 66%. Trong thử nghiệm tại Hoa Kỳ, vaccine có tác dụng 72% sau 28 ngày. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của vaccine giảm xuống còn 64% do biến chủng B.1.351. Vaccine Johnson & Johnson có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường, ở nhiệt độ 2,2-7,7 độ C, không cần đến tủ đông siêu lạnh như sản phẩm của Pfizer. 

Cho đến nay, vaccine Johnson & Johnson đã được triển khai ở 24 quốc gia.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 3.

Vaccine Moderna với 49 quốc gia sử dụng

Quốc gia sản xuất: Hoa Kỳ

Ngày phê duyệt: 30/4/2021

Áp dụng: Hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày

Giá thành: 37 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Vaccine này là mRNA mã hoá cho protein gai của SARS-CoV2 được bọc trong các cấu trúc nano béo. Sau khi hấp thụ, tế bào sẽ biểu hiện các protein trên vỏ tế bào và dẫn đến phản ứng miễn dịch.

Sự hiệu quả: Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba được Moderna công bố hồi tháng 4/2021, vaccine hiệu quả 90%, ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng. Vaccine Moderna có thể để được 30 ngày ở nhiệt độ lên đến 8°C , nhưng sẽ đông lại khi nhiệt độ xuống -20°C nếu bảo quản trong nhiều ngày. 

Hiện đã có 49 quốc gia đang sử dụng vaccine Moderna.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 4.

Vaccine SinoPharm áp dụng ở 45 quốc gia

Quốc gia sản xuất: Trung Quốc

Ngày phê duyệt: 7/5/2021

Áp dụng: Hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 3 tuần

Giá thành: 15 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Sử dụng kỹ thuật truyền thống là cấy vào các bộ phận của virus đã được bất hoạt bằng hóa chất.

Sự hiệu quả: Ngày 27/5, Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn ba, sau khi 200 triệu liều vaccine được tiêm khắp thế giới. Theo đó, BBIBP-CorV hiệu quả 78,1% ngăn ngừa các ca nhiễm có triệu chứng và 73,5% với những ca không triệu chứng. Nghiên cứu ghi nhận 201 trường hợp gặp tác dụng ngoài ý muốn. Nghiên cứu tiền lâm sàng hồi tháng 2/2021 cho thấy, vaccine vẫn hiệu quả chống biến thể Nam Phi, dù hoạt tính yếu hơn so với chủng virus ban đầu. 

Hiện đã có 45 quốc gia đang sử dụng vaccine SinoPharm.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 5.

Vaccine SinoVac được 45 nước phê duyệt

Quốc gia sản xuất: Trung Quốc

Ngày phê duyệt: 1/6/2021

Áp dụng: Hai mũi tiêm cách nhau 15 ngày

Giá thành: 60 USD mỗi lần tiêm

Phương pháp: Vaccine SinoVac được điều chế bằng virus bất hoạt, giống với BBIBP-CorV của SinoPharm. Ban đầu, nCoV được nuôi lớn trong tế bào vero, phân lập từ tế bào biểu mô thận. Sau đó, các nhà khoa học bất hoạt virus bằng một loại chất hữu cơ, khiến chúng không thể gây bệnh hay nhân lên khi tiêm vào cơ thể.

Sự hiệu quả: Trong thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, CoronaVac đạt hiệu quả hơn 50% ngăn ngừa Covid-19. Trong thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia kết luận vaccine hiệu quả 91,25%. 

Hiện đã có 45 quốc gia đang sử dụng vaccine SinoVac.

Tính năng, tác dụng và sự hiệu quả của những vaccine ngừa covid-19 đang được lưu hành trên thế giới - Ảnh 6.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Nguồn: Theo WHO, The New York Times, Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm