“Điểm đến” của những người nhiễm HIV/AIDS đồng giới

An Khê
08/12/2023 - 18:07
“Điểm đến” của những người nhiễm HIV/AIDS đồng giới

Thành viên Nhà Cộng đồng Glink

5 năm qua, Nhà Cộng đồng Glink đã hỗ trợ hàng nghìn người nhiễm HIV/AIDS.

Dược sĩ Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc chi nhánh Glink Hà Nội, tại địa chỉ của Nhà cộng đồng Glink ở số 18 ngõ 9 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết, Glink được thành lập năm 2019 với sứ mệnh cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng LGBT nhiễm HIV/AIDS. 

Nhóm gồm các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên tư vấn và các cộng tác viên có cùng chung chí hướng mang lại cuộc sống tốt hơn cho những người đồng tính nhiễm HIV. 

"Hiện Glink đã có 7 phòng khám trên cả nước. Trong 5 năm, chúng tôi đã hỗ trợ riêng tại Hà Nội khoảng 3.000 người đến sử dụng phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và chuyển gửi khoảng 1.000 người dương tính đi điều trị tại các cơ sở y tế", anh Nguyễn Duy Hùng chia sẻ.

Nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) là nhóm yếu thế trong cộng đồng bởi bị kỳ thị và sống kín đáo, khó tiếp cận các dịch vụ chữa trị HIV/AIDS hơn các nhóm đối tượng khác. Chính vì vậy, Glink thành lập ra để hỗ trợ cộng đồng MSM và đặc biệt, nhân viên tại Glink đều là người trong cộng đồng MSM nên dễ dàng tiếp cận hơn với những người thuộc nhóm này. 

Dược sĩ Nguyễn Duy Hùng cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 300-400 người đến sử dụng dịch vụ PrEP miễn phí và các dịch vụ có phí khác tại Glink.

“Điểm đến” của những người nhiễm HIV/AIDS đồng giới- Ảnh 1.

Dược sĩ Duy Hùng (trái) tư vấn cho bệnh nhân

Nguyễn Trần Q., sinh năm 2004, có quan hệ tình dục đồng giới không an toàn đã được nhóm tiếp cận để xét nghiệm HIV. Kết quả dương tính với HIV khiến Q. bị sốc và rơi vào trầm cảm. Nhân viên Glink đã nỗ lực tư vấn, giải thích rõ về HIV và gửi Q. đến trung tâm y tế gần nhất để được xét nghiệm khẳng định. 

Sau đó, Q. được điều trị ARV miễn phí bằng bảo hiểm y tế. Sau 3 tháng, Q. đã được làm xét nghiệm tải lượng và có kết quả dưới ngưỡng không phát hiện, sức khỏe cũng được hồi phục và bản thân không còn mặc cảm về bản thân nữa. "Bạn ấy đã vượt qua cú sốc, sống vui vẻ trở lại và đang hạnh phúc bên người yêu", anh Hùng cho biết.

Trường hợp của Nguyễn Trần Q. chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp nhiễm HIV/AIDS tìm đến Nhà Cộng đồng. 

Để thu hút được đông đảo cộng đồng MSM nhiễm HIV/AIDS tìm đến, Glink tạo một hệ sinh thái truyền thông online qua các nền tảng có đông cộng đồng MSM, đồng thời đăng các bài viết truyền thông trên các trang website, trang mạng xã hội của Glink để giới thiệu về PrEP, TelePrEP (dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa) và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác cho các nhóm có nguy cơ cao. 

Nhóm cũng tạo các video quảng bá chiến dịch "Lần đầu mạnh dạn" và truyền thông các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, tạo các video clip ngắn về các hoạt động chiến dịch Unitour, truyền thông về PrEP và an toàn tình dục cho sinh viên.

Dược sĩ Duy Hùng cho biết thêm, thời gian tới, nhóm sẽ đẩy mạnh truyền thông trong các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông để tuyên truyền về HIV, nhằm giảm sự lây nhiễm ở người trẻ và tuổi vị thành niên; đồng thời giúp phụ huynh biết được tầm quan trọng của phòng tránh HIV đối với lứa tuổi dưới 18 và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2023, số người nhiễm HIV mới chủ yếu ở nam quan hệ tình dục đồng giới, chiếm 49%. Tính đến hết quý 3/2023, có 60.020 người sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, hơn 80,6% đối tượng MSM tham gia phương pháp này.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm