'Điểm mặt' các vụ bác sĩ mổ nhầm tai tiếng

03/08/2016 - 09:48
Liệt chân trái, mổ chân phải; phẫu thuật bỏ tử cung nhưng bác sĩ cắt niệu quản… là hai trong số những vụ mổ nhầm của bác sĩ từ đầu năm 2016 đến nay. Thực tế này, khiến nhiều người bất an khi đến khám, chữa bệnh.
Cắt nhầm tử cung thành niệu đạo

Cuối tháng 6/2016, sản phụ Nguyễn Thị Oanh (40 tuổi, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) sinh mổ tại BV Đa khoa Nông Cống. Trong quá trình mổ sinh, các bác sĩ thông báo cho gia đình buộc phải cắt tử cung bởi bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, gia đình phát hiện sản phụ bị cắt toàn bộ phần niệu quản. Ngay sau đó, bệnh nhân phải xuống BV Đa khoa Thanh Hóa cấp cứu. Gia đình cũng đã có đơn đề nghị BV Đa khoa Nông Cống làm rõ sự việc. Lãnh đạo BV đa khoa Nông Cống thừa nhận kíp mổ đã xảy ra sai sót, dẫn tới việc cắt nhầm niệu quản thay vì tử cung của sản phụ.

Chỉ định mổ chân trái nhưng phẫu thuật chân phải

Ngày 19/7, bệnh nhân Trần Văn Thao (37 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được đưa vào BV Việt Đức điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị liệt thần kinh chày trước chân trái và được chỉ định phẫu thuật. Thế nhưng, sau khi mổ, bệnh nhân phát hiện ra các bác sĩ đã mổ chân phải thay vì chân trái. Thấy vậy, kíp mổ tiếp tục thực hiện mổ chân trái. Sau khi phẫu thuật, gia đình bệnh nhân đã phản ánh với lãnh đạo BV. BV Việt Đức đã tổ chức xin lỗi công khai gia đình bệnh nhân, đồng thời đình chỉ kíp mổ để làm rõ. BV cũng cam kết hỗ trợ toàn bộ viện phí cho ca phẫu thuật và trong các lần kiểm tra sức khỏe sau này.
mo-nham-chan-1-phunutoday_vn.JPG
Bệnh nhân Thao bị mổ nhầm chân tại BV Việt Đức
Bỏ quên gạc trong người bệnh nhân

Ngày 21/4, bệnh nhân Nguyễn Hải Anh (25 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) được đưa vào BV Đa khoa Hà Đông cấp cứu do vết thương hở ở gan bàn chân trái. Các bác sĩ thấy vết thương sâu, chảy máu nhiều nên đã đặt gạc dẫn lưu dịch tồn dư trước khi khâu vết thương, đồng thời kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Khi bệnh nhân tái khám theo hẹn, điều dưỡng không rút gạc dẫn lưu theo quy trình. Sau nhiều ngày điều trị tại nhà, vết thương bệnh nhân vẫn đau tấy nên nhập viện. Lúc này, các bác sĩ phát hiện chiếc gạc vẫn còn trong vết thương của bệnh nhân nên dẫn lưu lấy ra.

Đau tay phải, mổ tay trái

Ngày 17/2, bệnh nhi Phạm Thành Luân (6 tuổi, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được đưa vào BV 115 Nghệ An điều trị do bị gãy tay phải. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật nắn xương trụ thẳng lại rồi đóng đinh cố định ở cổ tay và hẹn thời gian mổ lấy đinh. Đến hẹn, gia đình đưa bé đến mổ lấy đinh. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, gia đình thấy cả hai tay của bé đều băng bó nên hỏi BV. Lãnh đạo BV cho biết, do bác sĩ mổ tay trái của bé để lấy đinh nhưng không tìm thấy mới phát hiện ra mổ nhầm tay và phải mổ lại.
mo_kjml.jpg
Các bác sĩ cần tập trung khi điều trị cho bệnh nhân
Nhiều ca nhầm lẫn khác

Trước năm 2016, cũng có rất nhiều ca mổ nhầm xảy ra tại các địa phương trong cả nước. Ví như tháng 7/2015, bệnh nhi Lê Nguyễn Quốc Hào (6 tuổi, Vĩnh Long) bị u bao hoạt dịch ở chân trái, nhưng BV Đa khoa Vĩnh Long đã mổ chân phải. Ngày 6/12/2011, bà Hứa Cẩm Tú (TP Cần Thơ) được BV Đa khoa TP Cần Thơ chỉ định phẫu thuật cắt thận trái do bị ứ nước và có sạn. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân bị biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi. Bệnh nhân đi siêu âm kiểm tra mới biết mình đã bị bác sĩ cắt bỏ 2 quả thận…

Hiện Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thế nhưng, những sai sót y khoa, thậm chí cả ở BV tuyến TƯ vẫn diễn ra, khiến hầu hết bệnh nhân vẫn bất an, khi phải đến BV, nhất là khi được chỉ định phẫu thuật.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các BV cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phẫu thuật cho bệnh nhân. Để tránh những sai sót y khoa, Bộ Y tế yêu cầu các BV phải tham khảo hướng dẫn bảo đảm an toàn phẫu thuật theo tài liệu đào tạo mà Bộ đã ban hành. Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV phải rà soát, thực hiện các tiêu chí quy định về an toàn phẫu thuật được quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV.

Nhiều chuyên y tế cho rằng, các bác sĩ trước khi điều trị, phẫu thuật, cần đọc kỹ bệnh án, kết quả hội chẩn được mổ... và hỏi cả người thân của bệnh nhân và người bệnh để tránh dẫn đến sai sót như trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm