"Điểm tựa" thoát nghèo cho phụ nữ Kon Plông

Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

"Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" hay "Tổ phụ nữ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh" là những mô hình hiệu quả giúp phụ nữ các dân tộc thiểu số của huyện miền núi Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phát triển kinh tế thời gian qua.

Xây dựng "ngân hàng tại chỗ"


Chị Y The, dân tộc Mơnâm, 30 tuổi, ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, là một trong những hội viên tích cực tham gia mô hình "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản". Chị Y The chia sẻ, thôn Kon Chênh có trên 90 hộ đang sinh sống, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, khi nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" được triển khai ở thôn, chị em còn rất e dè nhưng sau một thời gian tham gia và thấy được hiệu quả của mô hình, ai cũng phấn khởi bởi đến cuối năm có được một khoản tiền tiết kiệm để làm kinh tế.


Không biết từ bao giờ, mô hình này đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho chị em trong những lúc khó khăn, bởi bất cứ khi nào các thành viên có nhu cầu chính đáng đều có thể vay vốn từ nguồn tiền tiết kiệm của cả nhóm.


Mỗi tháng, nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" thôn Kon Chênh sinh hoạt một lần. Các thành viên trong nhóm chuẩn bị tiền nộp tiết kiệm. Lần lượt từng người nộp tiền tùy vào điều kiện và mức thu nhập của mình. Số tiền nộp của mỗi thành viên tương ứng với số con dấu được đóng vào cuốn sổ ghi chép cá nhân, mỗi con dấu tương ứng với số tiền 40 ngàn đồng; sau đó sẽ công bố cho các thành viên còn lại số tiền tiết kiệm tháng đó.


"Điểm tựa" thoát nghèo cho phụ nữ Kon Plông - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Tổ phụ nữ "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản"


Tổng số tiền tiết kiệm được sử dụng cho chị em đầu tư phát triển kinh tế; ai có nhu cầu vay vốn sẽ đề xuất và chờ sự đồng ý của các thành viên còn lại trong nhóm. Mức vay sẽ tùy theo tỷ lệ đóng góp của người đó, trường hợp đặc biệt quá hạn mức thì phải được sự đồng thuận của cả nhóm. Ngoài tiền tiết kiệm theo mô hình, mỗi tháng nhóm còn vận động các thành viên đóng góp một khoản tiền nhỏ làm Quỹ xã hội, với mục đích thăm hỏi khi các thành viên gặp chuyện không may hoặc động viên con em trong nhóm vượt khó học tập...


Theo chị Lương Thị Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông, hình thức hoạt động của mô hình này được xem như một "ngân hàng tại chỗ". Số tiền lãi vay do nhóm quy định nhưng không cao hơn lãi suất Ngân hàng chính sách xã hội. Hình thức vay đơn giản, không cần nhiều thủ tục rườm rà, lúc nào cũng có thể vay được, nếu thành viên vay có nhu cầu chính đáng.


Tính đến tháng 4/2019, toàn huyện Kon Plông có 39 nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản", với 782 thành viên tham gia. Từ tổng số tiền tiết kiệm được của nhóm là gần 400 triệu đồng, đã tạo điều kiện cho 7 thành viên ở thôn Tăng Pơ, Vác Y Nhong (xã Đăk Ring) vay số tiền 12,5 triệu đồng; 50 thành viên ở thôn Đăk Lanh, thôn Kô Chất (xã Măng bút) vay với số tiền 56,5 triệu đồng; 11 thành viên thôn Vi Xây, Rô xia I (xã Đăk Tăng) vay số tiền 11 triệu đồng; 8 thành viên thôn Kon Chênh, Kon Năng (xã Măng Cành) vay vốn với số tiền 16 triệu đồng. Nguồn vốn vay tuy nhỏ nhưng cũng đã phần nào giúp đỡ các thành viên khó khăn giải quyết được một số công việc như mua giống cà phê, gà, heo giống tăng gia sản xuất.


Xóa nghèo nhờ mô hình trồng cà phê xứ lạnh


Xuất phát từ thực tế cuộc sống là một xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, chị Y Ró, 35 tuổi, người Mơnâm, ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình, thoát được nghèo đói.


Nói về những ngày đầu mới lập nghiệp, Y Ró cho biết: Năm 2012 được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội LHPN cấp trên đã vận động người dân nơi đây trồng cây cà phê xứ lạnh và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trồng cà phê. Bản thân chị Y Ró đã mạnh dạn trồng và vận dụng các kỹ thuật được học vào sản xuất. Bước đầu mới trồng được 1 ha nhưng nhận thấy trên cùng một diện tích như nhau nhưng cây cà phê có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lúa, cây mì. Do đó, chị đã quyết tâm vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng thêm diện tích trồng cà phê. Đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt trên 300 triệu đồng/năm, trong đó riêng từ cây cà phê xứ lạnh là 40 triệu/năm.


"Điểm tựa" thoát nghèo cho phụ nữ Kon Plông - Ảnh 2.

Vườn cà phê thu trái bói của chị Y The ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành


Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Y Ró đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cà phê xứ lạnh. Từ đó, ý tưởng thành lập mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh xã Măng Cành ra đời, tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ thông qua việc cùng hợp tác trồng, mua bán hàng số lượng lớn để có giá tốt, cùng thống nhất về giá bán, quy trình, kỹ thuật thu mua, bảo quản để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cà phê.


Đến nay, tổ liên kết trồng cây cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành đang hoạt động ổn định với 21 thành viên, từng bước nâng cao doanh thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng và mở rộng thị trường đến tỉnh Gia Lai. Kết quả đã có 15 gia đình hội viên bắt đầu thu hoạch sản phẩm cà phê từ mô hình, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm.


Từ những thành công ban đầu của mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành, Hội LHPN huyện Kon Plông đã tiếp tục phối hợp với Hội LHPN xã Măng Cành tổ chức kiểm tra việc triển khai trồng cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn 10/10 thôn theo sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy. Qua kiểm tra đến nay diện tích cây tăng trưởng đạt trên 90%; ở một số thôn như Kon Tu Ma, Kon Kum, Đăk Ne, Tu Rằng, Kon Chênh, Kon Năng, bà con đã biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sinh trưởng tốt, có chất lượng cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.