Bé Duy Mạnh (con trai anh Đức) học giỏi, thành tích học tập luôn tốt khiến bố mẹ rất an tâm. Vợ chồng anh Đức đều bận công việc, không thể dành quá nhiều thời gian cho con nên cố gắng bù đắp cho con bằng việc đáp ứng mọi yêu cầu của con.
Thế nhưng, thời gian gần đây, Duy Mạnh khiến bố mẹ rất phiền lòng. Anh Đức cho biết, con trai luôn thích làm ngược với những điều bố mẹ nói. Bố mẹ bảo, trời lạnh đấy, con mặc áo ấm vào thì con sẽ ngay lập tức cởi áo len, áo khoác, chỉ mặc trên người chiếc áo cotton. Bố mẹ nói thế nào, con cũng “ngoạc mồm” kêu con nóng.
Nếu bị bố mẹ nhắc không chơi điện tử trên điện thoại, cậu bé Duy Mạnh cãi nhem nhẻm: Chơi điện tử cũng là cách rèn luyện tư duy, độ nhanh nhậy. Con chơi, không ảnh hưởng đến việc học là được.
Khi bắt gặp con đánh nhau với bạn bè, bị bố nhắc nhở, Duy Mạnh còn đánh trộm bạn thêm một cái và không ngừng cãi bố "Bố làm sao hiểu được chuyện của chúng con. Con đánh nó vì nó đáng bị đánh đòn, thế thôi"…
Anh Đức rất lo lắng trước tính “ngang như cua” và cố tình “chống đối” bố mẹ của con trai. Nhiều khi, nhìn “ngứa mắt” chuyện gì, vợ chồng anh Đức không muốn “càm ràm” con vì biết con sẽ không nghe và còn làm ngược ý bố mẹ. Anh Đức lo lắng, với tính cách của con, khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì thì khoảng cách giữa bố mẹ và con cái sẽ càng cách xa thế nào.
Vợ chồng anh Đức chắc không ngờ rằng, chính việc nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu của con, con muốn gì đều được nấy đã hình thành trong con trai thói quen mình là “trung tâm của vũ trụ”. Thế nên, khi bị bố mẹ cấm đoán, càm ràm, nhắc nhở, cậu con trai vốn được chiều, không chấp nhận việc bị từ chối nên nảy sinh sự chống đối như vậy.
Không muốn đối đầu với con, cha mẹ phải thường xuyên thay đổi cách giáo dục của mình. Khi con còn nhỏ, cha mẹ thường nói và trẻ là người lắng nghe. Nhưng khi trẻ bắt đầu lớn, chúng đã có khả năng nhất định để phân tích vấn đề. Do vậy, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện cùng con, lắng nghe ý kiến của con.
Cha mẹ cũng cần bước vào thế giới nội tâm của con, cùng con vượt qua trở ngại để trò chuyện một cách cởi mở, thẳng thắn. Có như vậy, con cái mới hiểu được phần nào nỗi khổ tâm của cha mẹ, đó là cha mẹ làm tất cả cũng chỉ vì muốn tốt hơn cho con. Nếu thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, chắc chắn con cái sẽ không còn có tâm lí đối đầu với cha mẹ nữa.