pnvnonline@phunuvietnam.vn
Diễn viên Tố Uyên: “Tôi tin sân khấu đang hồi sinh”
Diễn viên Tố Uyên
+ Cơ duyên nào khiến Tố Uyên chọn theo đuổi sự nghiệp diễn xuất?
Tôi là người yêu nghệ thuật từ nhỏ. Có lẽ cũng do được nghệ thuật ưu ái nên tôi mới có cơ duyên thi đỗ, được đào tạo bài bản trong trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội như hiện tại.
Huy chương Vàng Tài năng trẻ Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2020 với vai diễn Lý Chiêu Hoàng - tác phẩm "Rừng trúc" có thể coi là thành công đầu tiên của tôi trên con đường sự nghiệp. Trước đó, cũng với vai diễn Lý Chiêu Hoàng này, tôi đã đạt được thành tích Á quân của cuộc thi Tài năng sinh viên khoa Sân Khấu năm 2016. Tôi nhớ, lúc cầm huy chương toàn quốc trên tay với số điểm cao nhất, tôi đã tự nói với chính mình: "Hãy sống cho mình một thanh xuân rực rỡ nhất, để sau này khi nhìn lại, tôi không còn điều gì phải nuối tiếc nữa mà có thể bình thản mỉm cười hạnh phúc!".
+ Mới đây, bạn được chọn là người đảm nhiệm vai nàng Kiều trong vở kịch "Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường" của Nhà hát Kịch Hà Nội. Cảm xúc của bạn thế nào khi được nhận vai chính?
Tôi rất trân trọng và biết ơn khi được trao cơ hội này. Với mỗi vở diễn, ban Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội và đạo diễn đều có những tiêu chí về chuyên môn, khả năng diễn xuất và ngoại hình để lựa chọn diễn viên vào vai diễn sao cho phù hợp. Lần này, tôi may mắn khi được Nhà hát tin tưởng và lựa chọn.
"Truyện Kiều" là một kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du, khắc họa mỹ nhân sở hữu vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" nhưng cuộc đời nhiều truân chuyên, đau khổ. Nhân vật này đã tồn lại trong tiềm thức của rất nhiều thế hệ, trong tâm thức mỗi người lại có những tưởng tượng khác nhau. Bởi vậy với tôi, vai Thúy Kiều cũng là một thách thức không nhỏ. Tôi nghĩ, có thể sẽ có những lời khen chê, những ý kiến trái chiều nhưng tôi sẽ đón nhận một cách tích cực.
+ Tố Uyên tập luyện cho vai diễn này như thế nào?
Tôi đọc kỹ, tìm hiểu sâu về nhân vật và luôn cố gắng hoàn thiện mọi phân cảnh trọn vẹn nhất. Khi nắm chắc cảm xúc, tình cảm, đường dây tâm lý của nhân vật, tôi suy nghĩ nên cho khán giả xem điều gì, điều đó tác động ra sao tới khán giả, thông điệp đưa ra có rõ ràng không, tích cực hay tiêu cực, đồng cảm hay thấu hiểu? Tất cả phải lôi cuốn, dẫn dắt khán giả hòa vào tâm trạng của nhân vật. Đó cũng là điều tôi luôn hướng tới khi đứng trên sân khấu.
Về chuyên môn, tôi may mắn được đạo diễn NSND Tuấn Hải chia sẻ hướng dẫn, được học hỏi kinh nghiệm của các cô chú và các anh chị diễn viên lâu năm trong Nhà hát Kịch Hà Nội. Với tôi, đây thực sự đã là gia đình thứ hai của mình.
+ Nhiều nghệ sĩ gạo cội cho biết họ buồn bã khi sân khấu vắng khán giả. Là một nghệ sĩ trẻ, bạn nhìn nhận điều này như thế nào?
Đây cũng là điều trăn trở của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội và cũng là một thách thức cho những người nghệ sĩ trẻ như tôi. Phải làm sao thay đổi được nhận thức của các bạn trẻ về sân khấu kịch, một loại hình nghệ thuật ra đời từ thời Hy Lạp cổ đại và có chiều dài lịch sử phát triển kéo dài qua các thời kỳ. Tại Việt Nam, bộ môn trình diễn sân khấu truyền thống vào đầu thế kỷ 20 là hát chèo, hát tuồng, cải lương. Khi người Pháp đặt nền bảo hộ ở Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, họ đã mang môn giải trí trình diễn kịch sang, sau đó người Việt dần quen với lối nghệ thuật mới này.
Trải qua những năm tháng cùng chiều dài lịch sử đất nước, sân khấu kịch vẫn luôn tồn tại và có thời kỳ trở thành hào quang rực rỡ khi khán giả mua vé xem kịch nườm nượp. Tất cả các sân khấu đều sáng đèn mỗi đêm để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Việc du nhập của nhiều loại hình phương tiện đa năng hơn như truyền hình, Internet mang đến sự giản tiện và phong phú cho việc chọn lựa giải trí đã khiến khán giả ngày càng ít tới sân khấu. Đặc biệt là khán giả trẻ không mấy hào hứng với nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và kịch nói nói riêng.
Nhưng có một điều đáng mừng rằng, thời gian gần đây, sân khấu kịch có dấu hiệu hồi sinh với những tác phẩm nghệ thuật hay và đang thu hút một số lượng khán giả trẻ nhất định. Các bạn trẻ đang dần có cái nhìn thay đổi về bộ môn nghệ thuật sân khấu. Rất nhiều bạn trẻ có điều kiện sang các nước phát triển để học tập, họ tiếp thu văn hóa nước ngoài và có sự thay đổi về cách nhìn nhận các loại hình nghệ thuật truyền thống sau một khoảng thời gian học tập tại đó.
Với tôi, tôi luôn cố gắng lan tỏa niềm tự hào và niềm yêu sân khấu kịch nói đến với các bạn trẻ bằng tất cả nỗ lực của mình. Tôi cũng hy vọng thông qua các phương tiện truyền thông, các bạn trẻ sẽ biết nhiều đến sân khấu kịch nói chung và Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng. Nơi ấy, các nghệ sĩ vẫn đang ngày đêm cống hiến, giữ lấy nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt bằng những vở kịch hay, những tác phẩm nghệ thuật kinh điển để đời nhằm phục vụ công chúng.
+ Cảm ơn những chia sẻ của Tố Uyên!