Điều cần biết trong điều trị đau thần kinh ở người cao tuổi

Bài, ảnh: An Khê
18/01/2024 - 10:53
Điều cần biết trong điều trị đau thần kinh ở người cao tuổi

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà thăm khám cho bệnh nhân

Bệnh nhân Nguyễn Thị An, 67 tuổi (ở Ninh Bình), nhập viện do có biểu hiện đau, rát dọc 2 bên đùi. Bà đã tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau nhưng triệu chứng không thuyên giảm khiến bản thân đi lại khó khăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Sau khi được thăm khám, bác sĩ kết luận, do chèn ép nhánh thần kinh chi phối, khi đó đường đi của dây thần kinh bị chèn ép hoặc kéo căng, nhất là khi vận động sẽ dẫn đến các biểu hiện đau như mô tả. Đặc biệt qua khai thác tiền sử bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường Typ 2 đã 10 năm nay, đây có thể là căn nguyên dẫn đến tổn thương của dây thần kinh.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, đau thần kinh đã được Tổ chức Y tế Thế giới coi là dấu hiệu sinh tồn thứ 5, sau huyết áp, mạch, nhiệt độ, hô hấp. Đau thần kinh là kết quả của tổn thương hoặc rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh ngoại biên hoặc trung ương, hơn là kích thích các thụ thể nhận cảm đau. Ở người cao tuổi, đau thần kinh chiếm khoảng 25% - 56%. 

Đau thần kinh có 2 dạng sinh lý là đau cấp tính và đau mãn tính, mỗi cá thể có ngưỡng đau khác nhau. Các nguyên nhân chính gây đau thần kinh gồm: đái tháo đường, bệnh lý rễ thần kinh hoặc bị chấn thương tủy… 

Thêm nữa là bệnh lý cơ xương khớp hay gặp ở người cao tuổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy, có khoảng 15,2% bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể có thêm dấu hiệu đau thần kinh, tức là trong số khoảng 20 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối sẽ có 3 người có khả năng bị đau thần kinh.

Bác sĩ Hà cho biết, để giảm đau thần kinh, người bệnh cần một loại thuốc giảm đau chuyên biệt, gọi là nhóm thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng phối hợp các loại thuốc để giúp bệnh nhân giảm đau toàn diện, đồng thời giảm nhẹ các tác dụng phụ có hại của thuốc. 

Việc cân nhắc lựa chọn thuốc được các bác sĩ chuyên khoa tuân thủ hướng dẫn của Liên hội Thần kinh châu Âu (EFNS) 2010 và Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP). Đau thần kinh còn có thể được cân nhắc không dùng thuốc, chỉ cần can thiệp điều chỉnh hành vi… hoặc cân nhắc với các thủ thuật không xâm lấn, phẫu thuật và dùng thuốc. 

Ngoài ra việc vận động để duy trì chức năng của khớp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, đạp xe… 

Hoặc cân nhắc chỉ định các kỹ thuật kích thích thần kinh bao gồm: kích thích điện thần kinh qua da tần số cao, kích thích tủy sống, kích thích não sâu, kích thích từ trường xuyên sọ, hoặc các phương pháp chặn dẫn truyền thần kinh nhằm đưa thuốc vào tủy sống, phóng bế dây, rễ thần kinh, đám rối thần kinh, thần kinh giao cảm, tiêm ngoài màng cứng là những kỹ thuật chuyên sâu đặc hiệu. 

Tùy trường hợp có thể kết hợp châm cứu giúp giảm nhẹ cơn đau mạn tính nói chung và đau thần kinh nói riêng.

Điều quan trọng là khi xuất hiện những triệu chứng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định điều trị, không nên tự tìm mua thuốc uống mà chưa có sự tư vấn của thầy thuốc. Trong quá trình điều trị, không tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng thuốc, nếu thấy có tác dụng phụ, người bệnh cần lập tức thông báo bác sĩ để được tư vấn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm