Kế hoạch của Thanh Tâm chủ nhật tuần này là làm mẻ bánh kem để tối tổ chức sinh nhật cho cậu con giai. Vì thế Thanh Tâm dậy khá sớm đi chợ mua đồ.
Về đến nhà, vừa kịp dỡ đồ ra khỏi chiếc xe đẩy đi chợ, thì chuông điện thoại reo. Liếc đồng hồ thấy chưa đến 10 giờ, Thanh Tâm yên tâm tạm để đám thực phẩm ngổn ngang dưới bếp để nghe điện thoại.
Giọng người phụ nữ ở đầu dây bên kia nghe cứ nghèn nghẹn. Thì ra chị ấy vừa khóc một trận “tưng bừng” do bị sốc với quý tử năm nay vừa vào cấp 3. Cậu bé vốn được chiều chuộng và quen kiểu sinh hoạt tự do như… nghệ sỹ, đã không thể quen với môi trường nội trú.
Nhập học mới có vài tuần mà cậu đã khủng bố tinh thần mẹ mình kha khá. Mẹ cậu nuôi hy vọng tình hình sẽ khá lên sau mỗi tuần nhưng chỉ có đánh lừa chính mình, chị mới có thể tin vào điều đó. Chiều cuối tuần, chờ đón con về, chị thấy hình ảnh thằng bé ủ dột, đi như đếm từng bước, trong khi các bạn nó tỏ ra khá tươi vui, thân thiện. Chị lo lắng khi cả tuần ở trường nó không tắm một lần nào giữa thời tiết mùa hạ ngả sang thu oi ả. Cậu cho biết không thể nào ngủ đúng giờ như quy định của ký túc xá, đồng nghĩa với việc sáng không thể dậy sớm. Có lần cậu ngủ trưa quên dậy, giường lại ở tầng 2, thày giáo quản nhiệm không nhìn thấy, thế là lỡ cả một buổi học. Các câu chuyện của bạn bè trong phòng ký túc xá, cậu thấy sao mà … trẻ con nên thường im lặng không tham gia. Một lần ăn mì xong mà không vứt vỏ hộp đúng nơi quy định, cậu bị phạt phải trực nhật 1 tuần. Trong lúc quét nhà, cậu lầm bầm : Sẽ thoát khỏi đây bằng mọi cách. Khi được biết vào thời điểm này không thể chuyển sang một trường khác, cậu bắt đầu có hình thức phá phách mới là giả vờ ốm để được ở nhà.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trường nội trú là giải pháp an toàn để điều chỉnh những đứa trẻ thiếu kỷ luật
Người phụ nữ ấy kể với Thanh Tâm là chị hết sức bế tắc. Vợ chồng chị ly dị đã lâu, mình chị chật vật mới nuôi được hai đứa con ăn học đàng hoàng. Cũng vì bận bịu mưu sinh, chị không kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tự do đầu tiên của con. Chị không biết rằng, có nhiều tiết học con trai mình cùng với đám bạn chơi cùng tiêu thời gian trong quán nét. Chính vì vậy khi nghe thấy có ngôi trường nội trú với những quy định về kỷ luật nghiêm khắc, chị động viên con trai thi vào đó. Thời kỳ con trai nhập học lại trùng với thời gian chị gặp một số rắc rối trong công việc. Ngoài việc tài chính bị đe dọa, chị còn có nguy cơ mất danh dự. Đang lúc bối rối ấy, những phàn nàn của con trai khiến chị nhiều lúc muốn phát điên. Sáng hôm nay, chị đã không kiềm chế được, khóc ầm lên khi nghe con trai nói: Hôm qua con vừa đọc được một câu hay. Tự tử không phải là chấm hết mà chính là một hình thức truyền nỗi đau đến những người còn sống. Mẹ chắc phải đau thì mới biết con khổ như thế nào khi phải ở ký túc xá.
Lòng dạ bồn chồn, chị đã điện thoại cho Thanh Tâm, với hy vọng tìm một lời khuyên. Thanh Tâm thì cho rằng nếu vấn đề chính, như chị nhận định, là vì cậu ấm chưa quen với cuộc sống có kỷ luật nghiêm khắc, thì sẽ phải có thời gian để cậu làm quen với nó. Mẹ cần lưu ý con trai đây chính là thời điểm rất khó khăn với con, cần nỗ lực mới có thể vượt qua. Đối với tụi trẻ ở cái dở trẻ con dở người lớn này, nhiều khi sự răn dạy không hẳn đã chạm được vào tâm hồn các em. Vì thế Thanh Tâm khuyên chị vẫn thủ thỉ tâm sự với con trai nhưng hãy cố gắng tìm ra một người bạn có thể chia sẻ, động viên con trai mình.
Tìm ra một người bạn có thể chia sẻ động viên trẻ là một giải pháp rất hiệu quả
Người phụ nữ “a” lên một tiếng, hỏi Thanh Tâm : Có một cô bé lớp trưởng mà chị biết là con trai mình rất có cảm tình, cô bé ấy học cũng giỏi. Thanh Tâm nói ngay rằng đó là một “nhân sự” rất tốt để khích lệ cậu bé. Tuy nhiên, cần phải để cho mọi chuyện thật tự nhiên, không được lộ ra là có sự… nhờ vả, bởi sẽ phản tác dụng.
Kết thúc câu chuyện, cả hai người cùng cười to khi Thanh Tâm nói vui : Đúng bài rồi đó, thành T’roa giữ được hay không, đều do nữ thần Helen cả.