Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Cần tiếp cận ở góc độ cơ hội và quyền lợi của người lao động

19/05/2019 - 18:26
Theo Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình được đưa ra tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp, nhưng cần có quy định đặc biệt với các nhóm lao động trình độ cao hơn, thấp hơn. Việc tính toán tuổi hưu cần được tiếp cận dưới 2 góc độ: cơ hội được tiếp tục cống hiến và quyền được nghỉ hưu sớm.

Đề xuất “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”

Chiều 19/5, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Bộ luật Lao Động (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban này, bà Nguyễn Thúy Anh, cho biết: Đây là phiên họp đặc biệt vì ngay sát ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV) để thẩm tra một bộ luật quan trọng, liên quan đến nhiều quyền của người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) cho biết, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.

 

Phiên họp toàn thể chiều ngày 19/5 do Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì. Ảnh: D.H

 

Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH trình 2 phương án điều chỉnh:

Phương án 1: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.

Phương án 2: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lộ trình nhanh hơn này, đến năm 2026 lao động nam sẽ đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Doãn Mậu Diệp nói.

Cũng tại lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật Lao động quy định “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”. Theo đó, dự thảo nêu rõ quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra), Bộ luật Lao động hiện hành quy định người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm so với quy định. Nhưng lần sửa đổi này, đề nghị quy định người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm, tùy từng nhóm lao động. “Đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

 

Tuổi nghỉ hưu tiếp cận ở góc độ quyền và cơ hội

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN, thể hiện sự đồng tình với ban soạn thảo liên quan đến đề ra lộ trình tuổi hưu, cũng như có những quy định đặc biệt với các nhóm trình độ cao và thấp hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, để giải quyết tổng thể vấn đề, nhất là với phụ nữ, tuổi hưu cần được tiếp cận dưới 2 góc độ: cơ hội được tiếp tục cống hiến và quyền được nghỉ hưu sớm. Ai muốn lao động ở độ tuổi cao hơn và có điều kiện cống hiến lao động thì phải trao cơ hội cho họ lao động, có khả năng đóng góp, nhất là trong bối cảnh phát triển hiện tại thì việc mở rộng nâng cao tuổi hưu cho người lao động càng trở nên cần thiết.

 

Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: D.H 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, một thực tế nữa là nếu không có cơ hội cho người lao động trình độ cao đáp ứng được mong muốn, nhu cầu được lao động thì kéo theo nhiều câu chuyện. Đơn cử như chuyện vì quy định trần tuổi nghỉ hưu hiện nay nên đa phần phụ nữ ở các tỉnh/thành khi 45 tuổi đều phải ra khỏi quy hoạch. Bởi theo quy đinh, cán bộ ít nhất phải tham gia được 2 nhiệm kỳ mới được đưa vào quy hoạch, mà nếu 2 nhiệm kỳ thì 45 tuổi đã hết tuổi quy hoạch.

Tuy nhiên, điều bà Nguyễn Thị Thu Hà băn khoăn là người lao động có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà chính là nhóm lao động thấp hơn. “Chúng tôi đi thực tế ở 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực đồng bằng thì thấy: lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non… hầu hết họ muốn được nghỉ hưu sớm. Nhóm lao động cao thì hãy tạọ cho họ cơ hội tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn thì nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

“Chúng tôi rất mừng là dự thảo đã đưa ra thỏa thuận, cho phép mở rộng khoảng thời gian lựa chọn là 10 năm. Người nào không đủ điều kiện lao động, muốn được nghỉ sớm thì họ được quyền nghỉ. Nhưng theo đó thì bảo hiểm cũng phải tính toán theo để tránh thiệt thòi, vì nghỉ sớm thì lương thấp”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng thông tin, nghiên cứu cho thấy có 15 nước trên thế giới hiện nay áp dụng hình thức cho phụ nữ được quyền nghỉ hưu linh hoạt, coi như một sự ưu tiên.

Cuối cùng, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị ban soạn thảo có thêm đánh giá tác động xã hội, đối với cả hai phương án nghỉ hưu, so sánh hai phương án thì tác động, đánh giá cũng cần khác nhau.

Ngoài ra, liên quan đến phạm vi điều chỉnh Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất việc nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng đưa vào luật đối với nhóm lao động phi chính thức. “Hiện lao động phi chính thức chiếm tỉ lệ lớn, nhóm này cũng yếu thế hơn, dù có một số quy định pháp lý bảo vệ nhưng rõ ràng là đang có các khoảng trống”, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm