pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều dưỡng viên chăm sóc người già: Thiếu trầm trọng do vất vả, thu nhập thấp
Điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đang thiếu hụt trầm trọng
Điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi: công việc vất vả
Chị Lê Thị Thắm - một điều dưỡng viên hiện đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội - cho biết: "Nghề điều dưỡng viên chăm sóc người già là một công việc vô cùng vất vả, số ít người làm lâu năm, nhiều kinh nghiệm, có cái tâm với nghề mới gắn bó lâu được, còn rất nhiều bạn trẻ bỏ việc chỉ sau vài ngày làm thử. Viện em vừa có 1 bạn trẻ, vào làm được hơn tuần là đã xin nghỉ luôn rồi, việc này nếu kể ra có những cái ngoài sức tưởng tượng luôn, người ngoài không thể biết, hiểu được bọn em đã vất vả đến thế nào đâu".
Tiếp xúc, lắng nghe chia sẻ của những người làm nghề điều dưỡng dành cho người già mới hiểu những vất vả của nghề này. Hiện nay, những bạn trẻ tốt nghiệp ngành điều dưỡng hầu hết đều chọn làm việc tại các bệnh viện lớn, có môi trường làm việc tốt hơn nhiều. Ngành điều dưỡng hiện nay đang rất thiếu nhân sự, nên càng ít điều dưỡng viên chọn làm việc cho các viện dưỡng lão, với công việc chăm sóc người cao tuổi.
Các điều dưỡng viên cho biết chăm sóc người già là vô cùng vất vả, sức khỏe yếu, ốm đau bệnh tật, tâm lý có nhiều vấn đề. Với điều dưỡng viên, chuyện phải dỗ dành để các cụ ăn, xúc từng thìa cả tiếng mới xong được một bữa cơm là chuyện bình thường, nhẹ nhàng nhất. Việc đôi khi điều dưỡng bị một cụ mắng chửi, thậm chí là đánh cũng chẳng hiếm. Chị Thắm cho biết tại viện dưỡng lão nơi chị đang làm có 1 cụ lúc mới vào, ngày nào cụ cũng chửi, cụ mắng con bất hiếu, bỏ bê chăm sóc bố. Tâm lý bất ổn, cụ mắng lây sang điều dưỡng, và dọa đánh. Các điều dưỡng viên phải có những cách riêng để ổn định tâm lý trở lại.
Điều dưỡng viên chia sẻ chuyện có lúc phải đi dọn vệ sinh cho các cụ, có người một tối vài lần nôn trớ, có cụ sốt cao lên cơn co giật sùi bọt mép. Việc chăm sóc người già còn rất nhiều vấn đề khác, người mới vào nghề, non kinh nghiệm là không biết xử lý ra sao. Vậy nên, với riêng công việc điều dưỡng, chăm sóc người già, chuyện có người vào làm vài hôm là bỏ việc thường hay diễn ra, những người trụ lại được thì mới có thể gắn bó được lâu.
Mức lương của những điều dưỡng viên làm tại các viện dưỡng lão hay chăm sóc chuyên biệt cho người cao tuổi là ở mức từ 6 đến 9 triệu đồng. Công việc phải duy trì liên tục cả ngày, phải trực đêm liên tục, thu nhập không cao, nhiều người đã muốn bỏ nghề.
Thiếu trầm trọng điều dưỡng viên chăm sóc người già
Điều dưỡng là nghề có số lượng đào tạo ra trường hàng năm cao, nhưng thiếu hụt trầm trọng do điều dưỡng viên không theo nghề, bỏ nghề rất lớn. Năm 2022 cả nước có 9.680 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng (nguồn: Bộ Y tế). Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 có 1.154 nhân viên y tế xin thôi việc.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ cũng rất thấp. Thông tin từ Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 43 trường đại học đào tạo hơn 5.000 điều dưỡng, hệ thống trường cao đẳng đào tạo 30.000 điều dưỡng, 50 trường trung cấp đào tạo khoảng 15.000 điều dưỡng.
Theo Nghị định 81/2021–NĐCP và Thông tư 05/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xét nghiệm y học và điều dưỡng là hai ngành nằm trong danh mục ngành nghề được giảm học phí 70%. Mức học phí sinh viên phải trả cho mỗi tháng chỉ là gần 700.000 đồng.
Chị Trần Thị Thắng - phụ trách tuyển dụng Viện dưỡng lão Thiện Tâm An (Đà Nẵng) chia sẻ: "Điều dưỡng viên cho các viện dưỡng lão, điều dưỡng viên chăm sóc người già là lĩnh vực rất khó tuyển nhân sự. Đà Nẵng là thành phố biển có khí hậu tốt, phù hợp với việc triển khai viện dưỡng lão, triển khai các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, tuy nhiên việc tuyển điều dưỡng viên là rất khó khăn, chỉ hụt đi 1-2 nhân sự là rất khó tuyển lại bù vào".
Theo chị Thắng, một điều dưỡng viên dù đã qua đào tạo bài bản, nhưng chăm sóc người già là lĩnh vực chuyên biệt, cần làm một thời gian nhất định mới có thể quen việc, có kinh nghiệm. Khi tuyển điều dưỡng mới, quá trình để quen việc mất rất nhiều thời gian, nhưng nhân sự khi đã nghỉ là chuyển hẳn sang làm việc khác. Thu nhập, điều kiện làm việc tại các viện dưỡng lão lại không bằng các cơ sở y tế, bệnh viện lớn, nên nhiều lúc không tuyển được nhân sự.
Ông Mạnh Tuấn - giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung ứng nguồn nhân lực cho biết: "Riêng ngành điều dưỡng, đặc biệt là điều dưỡng viên chăm sóc người già, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang rất thiếu. Chúng tôi có rất nhiều đơn từ các đối tác Đức và Nhật Bản, 2 nước này đánh giá cao nguồn diều dưỡng viên người Việt Nam. Điều dưỡng viên làm việc tại Đức có thể có thu nhập tới 4000 EURO - tương đương hơn 100 triệu đồng/1 tháng, điều dưỡng viên chăm sóc người già tại Nhật Bản cũng có mức thu nhập khoảng 40-50 triệu/1 tháng. Hiện tại, việc tuyển được điều dưỡng viên là rất khó khăn, dù có những ưu đãi tốt. Tại thị trường trong nước, điều dưỡng viên cũng thiếu rất nhiều, riêng điều dưỡng viên cho người cao tuổi, nhiều đơn vị cần nhưng chúng tôi từ chối, vì không tuyển được".
Tâm lý bị coi như "ô sin cao cấp" phục vụ người già, công việc vất vả, thu nhập không cao, còn bị ảnh hưởng nhiều về mặt tinh thần khiến nhiều bạn trẻ học xong ngành điều dưỡng đã nhất quyết không chọn làm điều dưỡng viên chăm sóc người già. Mai Lan - một điều dưỡng viên cho biết: "Em học tổng 3 năm rưỡi xong ra trường, đi làm mới được hơn 2 tháng phải nghỉ. Có lần, em phải chứng kiến sự ra đi của một cụ, rồi có lần bị người nhà một cụ mắng chửi vô cớ, những điều này khiến em stress nặng. Lớp em học xong, người đi chạy grab, người bán hàng online, làm thẩm mỹ. Những việc này đều mang lại thu nhập còn tốt hơn, đỡ mệt mỏi hơn, đó là lý do cho việc học điều dưỡng nhưng không theo nghề".